Cách đây 1 tuần, tôi đọc được bài đăng chia sẻ về câu chuyện của người giúp việc kiêm bà vú trong gia đình ở TP.HCM, tạm gọi là bà T.. Bà T. trước đây chủ yếu làm công việc nhà nhưng từ khi chủ nhà sinh em bé, thấy khó kiếm người phụ nên bà tự đề xuất chăm sóc trẻ sơ sinh dù công việc này cực hơn rất nhiều.
Hơn cả trách nhiệm, bà T. chăm bẵm, lo lắng cho em bé dù không máu mủ ruột già bằng cả một tình yêu thương chân thật. Thậm chí, việc làm của bà T. còn khiến chủ nhà xúc động khi ngày cuối làm việc, bà vẫn ru em bé ngủ, ngồi ngắm nhìn, vuốt lưng cho em bé. Một hành động nhỏ nhưng lại khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi chính sự tử tế, tận tâm, chân thật của bà T. trong công việc.
Thế nhưng cũng mới đây thôi, một câu chuyện về người giúp việc khác lại khiến tôi và nhiều người khác cảm thấy phẫn nộ, bức xúc.
Vụ việc xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội, qua camera giám sát, chủ nhà phát hiện bà O., người giúp việc đang vắt giẻ bẩn vào nồi nước đun lá tía tô. Đáng nói, người phụ nữ này được công ty môi giới quảng cáo là có nhiều năm kinh nghiệm giúp việc, sạch sẽ, nấu ăn ngon, khỏe mạnh, chịu khó… Nhưng khi sự việc “ớn lạnh” xảy ra, khi bị chất vấn, bà O. nói do “vội và vô tình”.
Tôi tự hỏi, tại sao cùng làm 1 nghề, họ lại khác nhau đến thế? Một người ở thì thương đi thì chủ tiếc, một người làm chủ sốc nặng phải đi trình báo, cộng đồng bàng hoàng hỏi “lương tâm của chị ở đâu?”.
2 khuôn mặt của người giúp việc
Bà T. chọn làm việc bằng trái tim, biến nghề giúp việc thành hành trình cống hiến, coi gia chủ như chính người nhà của mình để toàn tâm toàn ý giúp đỡ. Khi ấy, thu nhập chỉ là một phần lý do cho sự trách nhiệm, còn lại, bà T. làm vì coi đó gần như gia đình của mình - nơi có những người mình ở cùng 24h, trả lương cho mình, đặt niềm tin vào mình.
Còn bà O., dù vô tình hay cố ý, hành động khác thường đã phá hủy lòng tin, gây tổn thương cả về sức khỏe lẫn tinh thần cho chủ nhà. Sự tương phản này khiến bất cứ ai cũng trăn trở: Điều gì làm nên một người làm nghề tử tế? Và tại sao lương tâm lại quan trọng đến vậy, đặc biệt trong nghề giúp việc?
Cần phải khẳng định, lương tâm là sự lựa chọn cá nhân, không phụ thuộc vào công việc.

Ảnh 1
Nếu một người giúp việc tử tế, làm việc bằng sự tận tâm, họ sẽ khiến các thành viên trong gia đình cảm thấy an toàn. Hơn nữa, từng sự chỉn chu, tỉ mỉ trong công việc cũng là cách mà họ đáp lại lòng tin của chủ nhà đặt vào mình. Ngược lại, hành động giống như bà O. là sự phản bội lại lòng tin của nhiều người. Khi gia đình họ giao phó ngôi nhà, sức khỏe của họ cho bà, họ đặt vào bà niềm tin rằng bà sẽ làm việc với trách nhiệm. Nhưng chỉ một khoảnh khắc cẩu thả vắt giẻ bẩn vào nồi nước bà đã phá vỡ niềm tin ấy. Hành động đó không chỉ gây hại sức khỏe mà còn để lại vết thương tinh thần: Cảm giác bị lừa dối bởi chính người họ tin tưởng.
Tôi luôn nghĩ, nghề giúp việc gắn liền với những khoảnh khắc riêng tư nhất của một gia đình. Do đó, hai bên không chỉ làm việc dựa trên cam kết, hợp đồng, thỏa thuận mà còn dựa vào sự tin tưởng, sự thân tình.
Khi một người giúp việc như bà O. làm điều trái với đạo đức, có thể đã đẩy chủ nhà vào cảm giác bất an sâu sắc. Bởi tìm người giúp việc đã khó, giờ lại còn không thể tin tưởng thêm một ai. Ngược lại, nếu người giúp việc giống như bà T., họ lại nhận về nhiều hơn sự trân trọng, quý mến vì cách mà họ bảo vệ niềm tin cho gia đình cũng như uy tín của chính mình.
Hai câu chuyện đối lập, cho thấy lương tâm có sức mạnh lan tỏa hoặc phá hủy. Câu chuyện của bà T., khi được chia sẻ trên mạng xã hội, truyền cảm hứng cho hàng nghìn người, chứng minh rằng sự tử tế có thể thay đổi cách nhìn về một công việc giản đơn. Còn vụ việc của bà O., chỉ toàn là sự phẫn nộ, khiến cộng đồng mạng đặt câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, nói rộng ra, hành động của bà O. còn làm xấu đi hình ảnh của những người làm nghề giúp việc chân chính.

Ảnh 2
Điều mà bất cứ ai đi làm cũng phải rõ, kể cả là giúp việc nhà!
Một bác sĩ thiếu trách nhiệm có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, một giáo viên thiếu tâm huyết có thể dập tắt ước mơ, và một người giúp việc thiếu tử tế có thể phá hủy tất cả, đầu tiên là sự bình yên của gia chủ, sau đó là cuộc sống của chính họ sẽ bị đảo lộn (mất việc hoặc chịu trách nhiệm hơn nữa với hành động của mình là điều nhãn tiền).
Ngược lại, nếu bạn làm bất cứ công việc gì bằng cái tâm sáng, tự khắc điều trả lại sẽ ngọt ngào. Điều này không cần chứng minh vì nó là một sự thật. Có ai sống tử tế mà cảm thấy ân hận đâu, họ chỉ cắn rứt vì vốn đã cơ hội để tử tế nhưng không làm thế.
Sự tử tế không đòi hỏi kỹ năng cao siêu, mà chỉ cần ý thức về trách nhiệm và sự tôn trọng người khác.

Ảnh 3
Có lẽ rồi vụ việc cũng sẽ lắng xuống, và không ai biết liệu bà O. có tiếp tục công việc giúp việc ở một ngôi nhà khác hay không, hay có vô tình để lại những hành động khiến gia chủ tiếc vì đã bỏ tiền thuê mướn. Chẳng ai dám chắc điều gì, bởi bà O. hay bất kỳ ai cũng có thể tìm cách trở lại "thị trường lao động" bằng nhiều con đường.
Nhưng điều khó phai mờ chính là nỗi ám ảnh và sự lo lắng của những gia đình từng thuê bà O., hay bất kỳ gia đình nào đang tìm kiếm người giúp việc.
Ai cũng có thể trưng ra một hồ sơ lung linh, những lời hứa ngọt ngào, và thái độ nhiệt tình trong những ngày đầu. Nhưng mấy ai thực sự đặt tâm huyết và trách nhiệm vào nghề? Những vết hằn tiêu cực từ người đi trước đôi khi khiến "người đến sau" phải chịu ánh nhìn nghi ngờ, dè dặt không đáng có, chỉ vì những ký ức không đẹp còn in quá sâu.
Mọi nghề nghiệp đều mang giá trị, lao động chân chính luôn đáng trân trọng và làm gì cũng cần có LƯƠNG TÂM!
Khi cầm đồng lương trên tay, mỗi người nên tự hỏi: "Mình đã thực sự dốc lòng cho công việc này chưa? Số tiền này có xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra?" Nếu câu trả lời là "xứng đáng", hãy tiếp tục làm việc với tất cả sự chuyên nghiệp, tận lực và giữ cho mình một cái tâm trong sáng nhất.
Vì mỗi hành động của bạn đều ảnh hưởng đến người khác, đều mang lại một giá trị nào đó. Còn nếu bạn cảm thấy "chưa đủ", hãy tìm một nơi phù hợp hơn với kỳ vọng của mình, và rời đi trong văn minh, khi đã dốc hết sức mình.
Mong rằng bất kỳ ai, dù làm công việc gì, cũng thấu hiểu điều này. Bởi nếu không, bạn sẽ mãi loay hoay trong vòng xoay bất mãn, luôn đổ lỗi cho người khác, và chẳng bao giờ tìm được một công việc khiến bạn cảm thấy "xứng đáng" để cống hiến hết mình.
Kể cả, đó là nghề giúp việc nhà!
