Cả ngày hôm qua 15.12, Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận (TP.HCM) xét xử vụ tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không và tài xế GrabBike thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là vụ án gây bức xúc suốt thời gian dài vì tài xế dùng bằng lái giả chạy tới 84km/h tại thời điểm gây tai nạn.
Vấn đề tài xế rời hay bỏ trốn khỏi hiện trường được tranh luận sôi nổi tại tòa. Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) khai khi xe cứu thương vừa tới thì bỏ đi khỏi hiện trường vì hoảng loạn. Phong đi tới Phan Thiết, Đà Lạt trước khi về trình diện cơ quan chức năng. Trên đường đi, Phong quăng sim, điện thoại và bằng lái, CMND giả dùng thuê xe trước đó.
336110b4094df813a15c_uhix.jpg

Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa sáng 15.12

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

Tại tòa, Phong cũng thừa nhận bỏ đi khỏi hiện trường vì sợ cơ quan công an bắt mình vào tù nên Phong liên lạc lại người quen nhờ xóa nhật ký cuộc gọi với mình, rồi mới quăng sim này.
Đại diện VKS khi trả lời các thắc mắc của LS thì cho rằng, sau khi gây tai nạn, Phong rời khỏi hiện trường do hoảng loạn là điều có thể thông cảm, chấp nhận được khiến các bị hại, LS bào chữa không khỏi bức xúc.

Luật sư: "Muốn xóa dấu vết rõ ràng là trốn tránh"

LS Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, ai đi đường thấy người bị nạn cũng phải cứu giúp, đằng này Phong là người gây ra tai nạn nhưng bỏ mặc nạn nhân nằm một lúc lâu khi trời tờ mờ sáng như vậy chính là bỏ mặc nạn nhân. Sau đó, Phong còn rời đi để trốn tránh trách nhiệm là điều quá rõ ràng.
“Hành vi này của Phong không thể xem là ăn năn hối cải hay tự nguyện ra đầu thú để là tình tiết giảm nhẹ được, mà phải xem xét ở góc độ tình tiết tăng nặng vì vừa không cứu giúp người bị nạn vừa trốn tránh trách nhiệm”, LS Nữ đề nghị.
4_huwk.jpg

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nữ tiếp viên Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Hường

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

LS Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, tài xế đổ do hoảng loạn nên sợ mà bỏ trốn, không cứu giúp bị hại vì không muốn làm xáo trộn hiện trường của vụ án là vô lý.
“Phong nhận thức được hành vi của mình là vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm nên mới bỏ đi. Không những thế, tài xế Mercedes cũng thừa nhận tìm cách xóa dấu vết để công an không tìm ra mình rõ ràng là trốn tránh trách nhiệm chứ không thể nói vì hoảng loạn mà rời đi như vậy được”, LS Thảo nói.

CSGT: "Luật quy định còn không rõ ràng"

Đại diện Cục CSGT cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định trách nhiệm của người điều khiển phương tiện và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:
- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
1172b80accf13daf64e0_pbdf.jpg

Người nhà bị cáo gục khóc ở sân tòa

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Cục CSGT phân tích, như vậy luật không cấm người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường. Nhưng người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn chỉ được rời khỏi hiện trường khi người này bị thương phải đi cấp cứu, đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc có lý do đe dọa đến tính mạng.
Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn rời khỏi hiện trường trong các trường hợp trên phải trình báo cơ quan chức năng ngay sau đó. “Luật quy định còn không rõ ràng, không biết đến trình báo ngay ở đây là bao giờ. Luật cần cụ thể hơn, có thể là người gây tai nạn rời hiện trường đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó phải đến công an hay UBND gần nhất chứ không thể mơ hồ như vậy được. Rời khỏi hiện trường 2 ngày mới đến thì sao mà lấy được mẫu xét nghiệm nồng độ cồn, ma túy nữa”, đại diện Cục CSGT nói.
1c49d6c1bd384c661529_nqfw.jpg

Chiều 16.12, phiên tòa sẽ tiếp tục phần nghị án và dự kiến tuyên án

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, quy định của luật về việc rời khỏi hiện trường đang quá mơ hồ. Nhìn nhận sự việc dưới góc độ tâm lý có thể hiểu được trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố khi gây tai nạn nghiêm trọng như vậy.
Bên cạnh đó, có thể tài xế Mercedes hay người gây tai nạn trong các sự vụ nghiêm trọng sợ bị người dân xung quanh, người nhà nạn nhanh đánh nên rời khỏi hiện trường. “Nhưng luật không quy định rõ ràng anh được phép rời khỏi hiện trường và đi đến đâu, chạy đến cơ quan công an gần nhất trình báo hay thời gian trình báo là bao lâu. Người lái xe gây tai nạn khi có nồng độ cồn có thể lợi dụng việc này bỏ trốn để không còn nồng độ cồn”, LS Phát nêu ý kiến.
3_qrma.jpg

Nữ tiếp viên hàng không đề nghị truy cứu trách nhiệm thích đáng với tài xế Mercedes

Ảnh: Lê Ngọc Thảo

LS Phát cho rằng, việc gây tai nạn đến mức gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người mà tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường có thể xem là một tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM có kinh nghiệm nhiều năm điều tra, giải quyết tai nạn giao thông cho hay, Luật Giao thông đường bộ cho phép người gây tai nạn rời khỏi hiện trường để đi cấp cứu, đưa người đi cấp cứu hoặc để đảm bảo an toàn cho chính họ, tránh bị người nhà nạn nhân tấn công.
Trường hợp với tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không, lãnh đạo đội CSGT cho rằng tài xế thừa nhận rời khỏi hiện trường để cơ quan công an khó tìm thấy mình và xóa dấu vết thì đây có thể xem là căn cứ để xác định tài xế cố ý trốn tránh trách nhiệm.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022