Sau buổi nghỉ trưa, chiều 15.12, Tòa án nhân dân Q.Phú Nhuận (TP.HCM) tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận). Trước đó, ngày 30.1.2020, Phong lái xe Mercedes chở theo 4 người khác chạy 84km/h (tốc độ cho phép là 50km/h) tông vào tài xế GrabBike Lê Mạnh Thường (64 tuổi) đang chở nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi).
Vụ tai nạn gây bức xúc dư luận trong thời gian dài, bị hại trong vụ án cũng trải qua gần 1 năm chờ đợi để đòi lại công bằng vì đã phải chịu nhiều tổn thương, mất mát.
Mẹ của tài xế lái Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không gào khóc tại sân tòa |
Bỏ trốn khỏi hiện trường
Sau khi gây tai nạn, hình ảnh từ camera cho thấy Phong quẩn quanh hiện trường đôi phút, gọi cho ai đó rồi nhanh chóng rời đi. Theo lời khai tại tòa, Phong nói mình gọi điện thoại cho xe cấp cứu. Tuy nhiên nữ tiếp viên hàng không phản bác điều này và cho rằng người gọi xe cấp cứu là mẹ và sếp của mình.
Phong giải thích, sau khi gây tai nạn, tâm lý hoảng loạn, Phong gọi cấp cứu và khi được hỏi thông tin người báo tin thì Phong khai đại tên người cha đã mất của mình. Phong cho rằng bản thân vẫn ở đó, đến khi xe cứu thương đến thì mới rời đi.
“Tôi rối quá nên đi Phan Thiết, Đà Lạt rồi nghe bạn báo tài xế GrabBike đã mất nên hoảng loạn. Tôi bỏ trốn vì sợ phải vào tù, trong khi là lao động chính của gia đình, còn mẹ già và 2 em nhỏ. Trên đường đi tôi quăng luôn cả điện thoại, sim, bằng lái, CMND giả, nói người quen xóa lịch sử cuộc gọi để công an không tìm ra mình”, Phong giải thích.
Sau đó, Phong nghe tin tài xế GrabBike không qua khỏi nên gọi điện thoại cho mẹ là bà Trần Hoàng Họa Mi rồi về trình diện công an. Bà Mi cũng xác nhận Phong có gọi điện thoại cho bà, sau đó bà gọi báo với Công an Q.Phú Nhuận, xin cho Phong được về nhà thắp nhang cho ông ngoại và cha rồi sẽ đến trình diện.
Chị Hường khẳng định gia đình Phong và Phong nói sai sự thật Ảnh: Lê Ngọc Thảo |
“Hành vi bỏ sim điện thoại, dặn dò người có thể biết sự việc xóa nhật ký cuộc gọi để cơ quan điều tra khó tìm ra mình chứng tỏ Phong nhận thức được hành vi của mình có thể bị truy tố nên tìm cách trốn tránh. Luật quy định rất rõ trách nhiệm khi thấy bị nạn phải cứu giúp, trong khi bị cáo là người có liên quan trong vụ tai nạn mà bỏ đi như vậy là không được.”, LS Nguyễn Thạch Thảo nói.
Tuy nhiên, đại diện VKS lại cho rằng, trường hợp này bị cáo được coi như hoảng loạn rời khỏi hiện trường, có gọi điện thoại cho xe cứu thương, phù hợp với hình ảnh từ camera hành trình. “Việc hoảng loạn xưng lộn tên là chuyện chấp nhận được”, đại diện VKS nhận xét.
Những luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tiếp tục phản đối vì “không thể chấp nhận hành vi rời khỏi hiện trường như thế này”.
Tai nạn kinh hoàng khiến nữ tiếp viên hàng không trọng thương |
Ai cho chuyển nhượng nhà khi đang bị tạm giam?
LS Nguyễn Đình Phong bào chữa cho bị hại nêu thắc mắc tại tòa: “Bị cáo đang phải chịu trách nhiệm như vậy, việc chuyển nhượng tài sản có hợp lý không, kiến nghị HĐXX xem xét về việc bị cáo chuyển nhượng căn hộ cho mẹ mình là như thế nào?”.
LS Nguyễn Thạch Thảo kiến nghị tòa trả hồ sơ, điều tra bổ sung Ảnh: Lê Ngọc Thảo |
LS Cao Thế Luận - bảo vệ quyền và lợi ích cho cả 2 bị hại cũng cho rằng, việc chuyển nhượng tài sản trong quá trình tạm giam rất tế nhị. Điều tra viên cho người nhà, công chứng viên gặp người đang bị tạm giam để chuyển nhượng tài sản, trong khi thiệt hại trong vụ án là rất lớn là điều cần xem xét lại.
LS Luận nói: “Chính việc này đã dẫn đến 2 người bị hại không nhận đc bồi thường, trong khi công ty cây xanh thì nhận đủ 29 triệu bồi thường, bên cho thuê xe cũng nhận được 150 triệu”.
Chị Hường một mình chống nạng đến tòa Ảnh: Lê Ngọc Thảo |
Nói lời nói sau cùng tại tòa, Phong xin lỗi gia đình 2 người bị hại, Phong nói không biết bản án là bao lâu nhưng thi hành án xong Phong sẽ cố gắng bồi thường số tiền đó cho gia đình nữ tiếp viên Vietnam Airlines và tài xế GrabBike.