*Bài viết của tác giả họ Trương, một giáo viên về hưu trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Sau khi chồng qua đời, các con sợ tôi cô đơn nên thay nhau đón tôi đến nhà ở cùng. Ban đầu tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi luôn có con cháu bên cạnh, nhưng lâu ngày lại phát sinh mâu thuẫn do khoảng cách thế hệ. Cách đây 1 năm, tôi cãi nhau một trận lớn với con trai và dọn về nhà cũ. Thời điểm đó tôi mới nhận ra bản thân đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống của các con, mỗi người đều có quan điểm và lối sống riêng, không nên áp đặt chúng phải làm theo ý tôi mãi.
Vậy nên dù sau khi nguôi giận, dù con trai về tận nhà ngỏ ý đón mẹ trở lại thành phố, tôi vẫn quả quyết nói không để tập trung cho cuộc sống hưu trí riêng của mình. Ở độ tuổi U70, khi đã ổn định sau sự ra đi của bạn đời, tôi quyết định dừng làm những việc sau để bản thân có thể hạnh phúc, an nhàn nghỉ hưu.
Dừng can thiệp vào chuyện gia đình con cái
Gần đây tôi tình cờ xem được video phỏng vấn đường phố, khi MC hỏi nếu con cái kết hôn thì cha mẹ có nên quan tâm nhiều hơn không, một người phụ nữ trạc tuổi tôi đã trả lời thế này:“Tôi vẫn quan tâm đến các con nhưng không can thiệp quá nhiều, chỉ cần biết chúng sống tốt là được. Nếu mẹ chồng kiểm soát quá nhiều, chắc chắn tôi cũng không vui. Khi các con kết hôn, cha mẹ quan tâm ít lại thì cũng là cách để chúng tự lập và trưởng thành hơn”.
Nhiều bậc phụ huynh có quan điểm con cái dù bao nhiêu tuổi vẫn là những đứa trẻ trong mắt bố mẹ. Nhưng dù yêu thương hay quan tâm tôi vẫn nghĩ cần ranh giới rõ ràng để các con có không gian riêng phát triển cũng như tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
Sau khi ở riêng, tôi cũng không còn quá quan tâm đến chuyện gia đình các con có mâu thuẫn nào hay làm gì không vừa ý mình nữa. Vậy nên giữa tôi và các con cũng không còn những cuộc cãi vã, không phải thường xuyên bực bội, tôi có nhiều thời gian cho sở thích cá nhân và cảm thấy yêu đời hơn trước kia rất nhiều.
Dừng tham gia việc giáo dục các cháu
Một chủ đề trên mạng xã hội gần đây cũng khiến tôi quan tâm, khi mọi người chia sẻ về vấn đề lớn nhất giữa mẹ chồng và con dâu. Cô gái trẻ họ Trần kể từ khi mẹ chồng lên thành phố sống chung, cô trở thành “khách” trong chính căn nhà của mình, mọi việc từ chăm sóc, dạy dỗ cháu trai cũng đều phải theo ý mẹ. Không khí trong gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng vì cô Trần bất mãn nhưng không dám cãi lại người lớn tuổi.
Trong khi đó việc giáo dục trẻ, cha mẹ nên là người chịu trách nhiệm chính còn ông bà chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Như vậy sẽ tránh được bất đồng khi mẹ không cho con ăn vặt nhưng bà lại lén mua cho cháu, bố không cho con chơi điện thoại nhưng ông nội lại cùng cháu xem phim. Các con cũng từng mong muốn tôi sẽ dạy cháu vì bản thân tôi từng là giáo viên nhưng tôi chỉ hỗ trợ cho đến khi cháu lên Tiểu học và cần sự quan tâm, uốn nắn từ chính cha mẹ mình.
Dừng tiêu tiền “bốc đồng”
Từng có thời gian tôi tự tin mình có lương hưu, con cái có công việc ổn định nên càng thích tiêu tiền cho bõ công sức nhiều năm làm việc vất vả. Thế nhưng sự thật là cuộc đời này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, sẽ có khoảnh khắc bạn nhận ra túi tiền càng dày thì cuộc sống nghỉ hưu càng an tâm. Nhất là khi sức khỏe bản thân không còn tốt và điều kiện của các con không phải lúc nào cũng dư dả để chu cấp cha mẹ.
Vậy nên tôi bắt đầu chi tiêu có kế hoạch hơn, luôn dành ra một khoản lương hưu mỗi tháng để gửi tiết kiệm, quan tâm đến các chương trình giảm giá trong siêu thị, ăn trái cây và rau củ quả theo mùa để vừa có mức giá rẻ vừa tốt cho sức khỏe. Tôi cũng không còn đi du lịch nghỉ dưỡng nhiều như trước mà dành thời gian cho các hoạt động giải trí có chi phí vừa phải như xem ca nhạc, đi leo núi với bạn bè,...
Dừng đánh giá người khác
Sau khi nghỉ hưu, người hàng xóm 60 tuổi cạnh nhà tôi thường dành thời gian rảnh rỗi để quan tâm quá mức đến đời sống người trong khu phố. Thậm chí đánh giá cả cách dạy con hay mối quan hệ trong một số gia đình nhưng lại cho rằng đó là “truyền kinh nghiệm” cho người trẻ. Điều này khiến những người sống xung quanh không cảm thấy thoải mái để giao lưu và dần xa lánh người đàn ông này. Vốn sống 1 mình, nay không được hàng xóm quan tâm, anh ta cũng sớm lủi thủi chuyển nhà đi mà không một lời chào.
Không thể phủ nhận người cao tuổi luôn dày dặn kinh nghiệm sống và khôn ngoan hơn nhưng dù thân thiết tới đâu cũng đừng nên tùy tiện chỉ trích một ai, đem câu chuyện của người khác trở thành chuyện phiếm để bàn luận. Đó là điều tôi học được khi bước qua tuổi 65, tập trung cho cuộc sống của chính mình bạn sẽ hạnh phúc và tích cực hơn so với việc suốt ngày đánh giá hay so sánh bản thân với người khác.