Bước sang tuổi 50, tâm lý của chúng ra sẽ thay đổi không tự chủ. Những cuộc thảo luận sôi nổi trước đây giữa bạn bè về thời trang, chuyện tầm phào và thị phi đã chuyển thành làm sao để sở hữu tuổi già vui sống, sức khỏe và tiết kiệm tiền...
Cuộc đời như cuộc chạy marathon mà mỗi người phải hoàn thành một mình. Nửa chặng đầu tiêu tốn quá nhiều năng lượng của chúng ta, nếu không có nguồn lực để bổ sung cho nửa sau thì nửa chặng sau sẽ rất khó khăn để về đích.
Khi đến tuổi trung niên, con người phải tích lũy sức mạnh cho mình, nếu không sẽ phải đối mặt với tuổi già khốn khổ. Chúng ta phải đặt nền móng vững chắc khi còn có thể chạy, để những năm sau này con đường sẽ suôn sẻ.
1. Chưa tiết kiệm tiền dưỡng già cho bản thân
Chất lượng cuộc sống của bạn trong những năm sau này phụ thuộc vào số tiền đã tiết kiệm được cho chính mình, chứ không phải là con cái hay bất kỳ điểm tựa nào khác.
Bước sang tuổi 50, chúng ta cần nhận thức rõ khoản tiền hiện có là bao nhiêu, lên kế hoạch tốt cho quãng đời còn lại và dành dụm để sống thoải mái. Nếu không chúng ta sẽ sống thụ động và bất an vô cùng trong những năm về già.
Một số người có thể nghĩ rằng họ vẫn còn con cái để nương tựa. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này tuyệt đối không nên. Hiện nay người trẻ phải chịu áp lực rất lớn trong cuộc sống. Nếu được con cháu nguyện ý chăm sóc, quả là phúc phần may mắn của bạn. Nhưng nếu chúng không đồng ý thì sao? Thì cũng đừng oán trách, bởi lẽ mỗi người một cuộc sống riêng, trói buộc lẫn nhau chỉ khiến đôi bên thêm mỏi mệt.
Có một câu chuyện thế này được chia sẻ trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và cung cấp kiến thức):
Cụ ông đã làm việc cật lực cả đời và mua được nhà cho các con, ông ấy tưởng rằng khi về già sẽ có thể dựa vào con cái. Tuy nhiên, khi các con ông đã trưởng thành và có gia đình riêng, thói quen sinh hoạt của ông và các con khác nhau. Thời gian trôi qua nảy sinh mâu thuẫn, các con không còn muốn chung sống với ông. Nhưng khổ ở chỗ, ông không còn gì có thể tựa vào ngoài con cái, bản thân không hề có khoản dành dụm. Thế là ông chỉ đành sống cúi đầu, lần lượt đến “ở nhờ” nhà mỗi người con.
Do vậy, một sự thật mà ai cũng phải hiểu rằng: Không có tiền thì không có sự đảm bảo cho cuộc sống. Tiền sẽ mang lại cho bạn cảm giác an toàn và yên tâm.
Nhà văn nổi tiếng người Ireland, Oscar Wilde đã nói một câu rất hay: “Khi còn trẻ, tôi từng nghĩ tiền là thứ quan trọng nhất trên đời, nhưng giờ lớn hơn tôi mới nhận ra rằng nó đúng như vậy”.
Như người ta vẫn nói, chỉ khi biết yêu bản thân mình thì mới có thể yêu được người khác. Đừng quên giữ cho mình một ít tiền tiết kiệm để chừa lại đường lui khi về già.
2. Không đầu tư vào phát triển bản thân
Tự trưởng thành là điều rất quan trọng trong xã hội hiện đại đang phát triển nhanh chóng.
Nếu không dành thời gian để học hỏi và khám phá những điều mới, chúng ta có thể thấy mình bị tụt lại phía sau. Nỗi cô đơn bị xã hội bỏ rơi sẽ khiến bạn trở thành người bị gạt ra ngoài lề cuộc sống.
Cố gắng học các kỹ năng mới, đọc sách, cải thiện vốn ngoại ngữ, máy tính... Dù là để nâng cao kỹ năng chuyên môn hay học hỏi những sở thích mới, chúng ta đều phải duy trì niềm đam mê cuộc sống và khát khao tri thức.
Chỉ bằng cách không ngừng hoàn thiện bản thân, bạn mới có thể đối mặt tốt hơn với nửa sau của cuộc đời và kết thúc cuộc đua một cách suôn sẻ.
3. Không rèn luyện thói quen sống lành mạnh
Sức khỏe là nền tảng của một cuộc sống hạnh phúc. Dù bạn bao nhiêu tuổi thì sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất.
Chúng ta cần chú ý đến sức khỏe thể chất của mình, kiên trì tập thể dục, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo ngủ đủ giấc và khám sức khỏe thường xuyên.
Nếu chưa học được cách quản lý sức khỏe ở tuổi 50, bạn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe hơn trong những năm sau này, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
4. Thất bại trong việc tìm thấy sự bình an nội tâm
Về già thông minh là phải biết tránh xa 4 kiểu người này, nhờ vậy tuổi xế chiều mới yên ổn nhiều phúc
Chúng ta phải học cách bỏ qua những tham vọng bên ngoài và nghĩ thoáng hơn.
Đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống, dù là niềm vui hay khó khăn, bạn cần duy trì sự bình yên trong nội tâm. Theo đó, đừng vui quá, cũng đừng buồn quá. Đây là chân lý để sống dung dị và hạnh phúc, cũng có lợi cho sức khỏe. Ai làm được điều này mới đủ chiêm nghiệm thật sự.
Duy trì sự bình an nội tâm không có nghĩa là trì trệ hoặc tiếp cận cuộc sống một cách tiêu cực. Nó giống một trạng thái tâm hồn thanh thản hơn, một thái độ biết rằng cuộc sống không hề dễ dàng nhưng vẫn yêu đời.
Hãy học cách trân trọng từng chi tiết của cuộc sống, chấp nhận mọi cảm xúc mà bạn có và biết cách bao dung người khác để có thể đối xử tốt với chính mình.