Ký ức kinh hoàng: Bụng dạ "biểu tình" giữa cao tốc kẹt cứng!

Kỳ nghỉ lễ năm ngoái có lẽ là một trong những ký ức "kinh hoàng" nhất của tôi kể từ khi lấy chồng và có con. Vợ chồng tôi háo hức đưa con gái nhỏ, lúc đó mới hơn một tuổi, về quê thăm ông bà nội. Lựa chọn di chuyển bằng ô tô riêng tưởng chừng là quyết định mang tới sự thoải mái và chủ động nhất rồi, nhưng cuộc đời mà, người tính không bằng trời tính. Chúng tôi không thể ngờ chặng đường về quê lại biến thành một cơn ác mộng kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ trên cao tốc.

edit-cao-toc-long-thanh-pha-cat-lai-ket-xe-nghiem-trong-bat-phuong-tri-9-1745929004822745759279-1746091826363-1746091826554168399702.jpeg

Ảnh minh họa

Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng sớm, với hy vọng sẽ tránh được cảnh ùn tắc. Nhưng đời không như là mơ. Chỉ vừa ra khỏi thành phố được một đoạn, dòng xe bắt đầu chậm dần, rồi dừng hẳn. Nhìn cơ man những chiếc "4 bánh" dài dằng dặc trước mắt, cả tiếng không nhích nổi 100 mét đất mặt đường, trong lòng tôi đã bắt đầu có dự cảm chẳng lành.

Bình thường, chúng tôi đi từ Hà Nội về quê, cùng lắm cũng chỉ mất 4 tiếng. Con chỉ cần ngủ 1 giấc, dậy tu 1 bình sữa rồi tôi dỗ thêm một lúc là về tới nhà. Nhưng lần đó thì khác. Ngồi lâu trên ô tô rất bí, con tôi bắt đầu quấy khóc. Vợ chồng tôi vừa lo dỗ con, vừa lo... cho chính mình.

Trước khi lên xe, tôi lỡ uống 1 cốc to nước ép dưa hấu. Còn chồng tôi thì vẫn như mọi người, phải làm "đôi hớp" cà phê cho tỉnh táo để lái xe. Có ai mà ngờ, những thức uống tưởng chừng tốt cho sức khỏe ấy lại trở thành một trận đòn cho hệ tiêu hóa của chính khổ chủ. Cafein kích thích nhu động ruột, ai mà nhạy cảm là một lúc sau sẽ "buồn đại tiện" ngay. Tiếc thay, chồng tôi lại là một trong số những người có sự nhạy cảm như vậy.

Còn tôi thì thôi, khỏi nói. Gần nửa lít nước ép dưa hấu, uống túc tắc từ lúc ở nhà cho tới khi lên xe, cuối cùng cũng thấy ngay dấu hiệu của quá trình bài tiết.

Giữa trưa hè nắng gắt, cứ tưởng tượng cái cảnh 3 người trong ô tô suốt 7-8 tiếng đồng hồ, mở cửa xe ra thì nóng, mà đóng cửa xe lại bật điều hòa cho mát thì bí, con khóc ngằn ngặt, cộng thêm cả cảm giác bất an vì không biết mình "còn nhịn" được bao lâu nữa, tất cả dồn lại khiến vợ chồng tôi vã mồ hôi. Tôi thì còn đỡ, chứ chồng thì có vẻ nghiêm trọng hơn, anh còn kêu đau bụng. Từng cơn cứ quặn lên mà không làm gì nổi, giữa cao tốc mà. Không bóng cây, không bụi rậm, chúng tôi chỉ biết ngồi yên trong ô tô và cầu nguyện...

Đến giờ nghĩ lại cảm giác lúc ấy, tôi vẫn thấy nổi da gà, rùng cả mình.

Năm nay tôi quyết mang bỉm người lớn và bô, mặc kệ chồng cười chê lẫn ái ngại!

Ngày mai, cả nhà tôi lại đánh xe ô tô về quê nội nghỉ lễ. Rút kinh nghiệm từ "ký ức kinh hoàng" của năm ngoái, lần này tôi chuẩn bị thêm cả bỉm người lớn và 1 cái bô. Sáng mai, chúng tôi cũng sẽ ăn xôi cho chắc dạ, chứ không có nước ép hay cà phê gì nữa. Dẫu vậy, tôi vẫn phải xách theo cái bỉm người lớn với cái bô... mới cảm thấy yên tâm được.

chodovequebangoto1-17459291034721779580276-1746091827283-17460918273671318104280.jpg

Ảnh minh họa

Lo lắng hoặc stress cũng là 1 trong những nguyên nhân kích thích đường ruột, theo tôi tìm hiểu được là vậy.

Ban đầu, chồng tôi vẫn còn ái ngại, chê tôi dở hơi. Nhưng sau khi nghe tôi phân tích cặn kẽ rằng những "khó khăn" như năm ngoái lại có thể xảy ra, anh ấy cũng phải gật gù thừa nhận sự hợp lý của giải pháp này. Dù sao thì "phòng bệnh hơn chữa bệnh", thà chuẩn bị kỹ càng còn hơn rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" như năm ngoái.

Tôi cũng không hề mong muốn phải sử dụng đến bỉm người lớn và đặc biệt là bô... trên đường về quê ngày mai. Nhưng ít nhất, sự chuẩn bị này cũng mang lại cho tôi một cảm giác an tâm hơn rất nhiều. Suy đi tính lại thì thà hít thở trong không gian "có mùi" chất thải vẫn còn hơn cái cảm giác "phải nhịn" đến quặn cả ruột, vã cả mồ hôi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022