Bước sang năm thứ 4, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá tiêu biểu như kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đánh giá, thành công của lễ hội năm nay không chỉ ở việc thu hút số lượng người dân và du khách đông nhất từ trước đến nay mà người dân đã thật sự trở thành chủ thể sáng tạo, tham gia tương tác và đóng góp trực tiếp cho những sáng tạo của lễ hội.

ong-do-dinh-hong-1731856025733-1731856026268159342521.jpg

Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Lễ bế mạc Lễ hội.

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là các diễu hành cộng đồng sáng tạo, công trình biểu tượng, sắp đặt không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, các tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước.

Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan toả tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận, huyện, thị xã của Thủ đô.

le-hoi-sang-tao-11-1731856027038-173185602714951866194.jpg

Đông đảo người dân và du khách trải nghiệm Lễ hội.

Lễ hội được ví như “đại tiệc” sáng tạo thú vị, đa sắc màu thể hiện sự tài hoa của người dân Thủ đô. Các hoạt động được tổ chức là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn những ý tưởng sáng tạo vào những ký ức của cộng đồng, nhằm phát huy các giá trị của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.

Một điểm nhấn thu hút rất nhiều sự chú ý chính là 3 công trình biểu tượng: Pavillion “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây”. Thay vì đứng độc lập như các mùa lễ hội trước, năm nay được sắp ở vị trí tương tác, tạo ra cuộc đối thoại với di sản kiến trúc.

Còn với cuộc đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp) và “Cung Thiếu nhi Hà Nội - Hoài niệm cho tương lai” đã khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của giới nghệ sĩ, kiến trúc sư khi có sự phá cách trong tư duy, độc đáo trong sắp đặt, nhưng vẫn đảm bảo giá trị truyền thống, có sự hài hòa với không gian cảnh quan và hiện vật trưng bày.

Không gian Lễ hội trải rộng theo tuyến, từ điểm đầu tới điểm cuối cách nhau gần 3km, nhưng đó không phải rào cản cho việc khám phá, trải nghiệm của du khách.

le-hoi-thiet-ke-sang-tao-4-1731856027593-1731856027728451551851.jpg

Biểu diễn phục trang cổ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Trong đó, lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên - ĐHQGHN (Đại học Tổng hợp) thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có, đã trở thành những điểm nhấn của tuyến.

le-hoi-thiet-ke-sang-tao-7-1731856028193-1731856028291918742165.jpg

Cung thiếu nhi vẫn là một địa điểm rất tuyệt vời với các không gian trải nghiệm, triển lãm nghệ thuật và hoạt động tương tác

Lễ hội năm nay được đánh giá có tính tham gia, tính hoà nhập cao. Sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả trong và ngoài nước.

Cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng tích cực đóng góp với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Những hoạt động mà các nhóm cộng đồng này mang tới Lễ hội không chỉ giúp công chúng thấu hiểu hơn về thế giới của mình, mà còn thể hiện tinh thần tích cực của mỗi người dân thủ đô trong hành trình xây dựng một thành phố sáng tạo năng động và phát triển.

Sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đã đạt được thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn và nhận được sự ủng hộ, cộng hưởng lớn từ nhân dân Thủ đô và du khách.

Hàng triệu niềm vui đã tạo nên một bầu không khí sáng tạo tràn ngập thủ đô Hà Nội những ngày qua. Và hơn cả là góp phần cho mục tiêu hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022