Tại sao người trẻ chọn bỏ phố về đảo làm chủ?
Trước khi trở về đảo Phú Quý làm việc, Nhựt Duy (27 tuổi) đã có thời gian học tập, cũng như làm việc tại TP.HCM và Phan Thiết suốt gần 10 năm.. Đầu năm 2020, chàng trai bỏ phố về đảo với chỉ một nguyên nhân duy nhất: Thấy quê hương có tiềm năng phát triển du lịch.
Chàng trai tâm sự: "Nghĩ vậy nhưng lúc đó mình không có định hướng gì rõ ràng, chỉ là muốn để bản thân tự do một chút, thoát khỏi cuộc sống bộn bề ở thành phố và tìm lại chính mình ở Phú Quý".
Nhựt Duy
Sau khi trở về đảo Phú Quý, Duy được gia đình và trợ giúp nguồn vốn để mở dịch vụ tour cano thăm quan quanh đảo. Tuy nhiên do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước về các vấn đề như đối tượng khách hàng, chiến lược dịch vụ, quảng cáo,... nên chỉ 1 năm sau, Duy đối diện với thất bại và phải ngừng dịch vụ. Không chỉ vậy, anh chàng còn gánh khoản thua lỗ khoảng 100 triệu đồng, chưa tính các chi phí phát sinh khác.
Với Duy, lần kinh doanh thất bại giống như "cú tát" vào những ước mơ và viễn cảnh màu hồng mà anh chàng tự vẽ ra. Anh nhận thấy mình còn non nớt trong cách vận hành mô hình kinh doanh du lịch và quản lý tài chính, đồng thời không có kiến thức chuyên ngành.
Nhận ra những thiếu sót của bản thân, Duy quyết định quay lại TP.HCM. Tại đây, chàng trai vừa đi làm vừa theo học một vài khóa học về kinh doanh để tích lũy thêm kinh nghiệm và xem khả năng của bản thân đến đâu.
Một thời gian sau đó, dịch bệnh Covid-19 khiến công việc và cuộc sống của chàng trai tại TP.HCM gặp khó khăn. Do đó, Duy quyết tâm một lần nữa bỏ phố về quê.
"Trước sau gì mình cũng về nên dịch bệnh chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh lần trở về thứ 2 sớm hơn. Còn lý do lớn nhất vẫn là mình nung nấu ước mơ khởi nghiệp và phát triển du lịch quê nhà sau lần thất bại đầu tiên", Duy kể lại.
Hiện tại Duy làm nhiều công việc khác nhau, ngoài kinh doanh còn trực tiếp đi dẫn tour, làm sáng tạo nội dung trên MXH
Một trường hợp khác, Thu Hương (33 tuổi) cũng chọn bỏ phố về quê là đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) để sinh sống và làm việc cách đây 2 năm. Hiện công việc chính của cô nàng là kinh doanh du lịch dịch vụ lữ hành và founder một khu cắm trại ở Vân Đồn.
Thu Hương nhớ lại, sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm nhiều công việc để mưu sinh ở TP. Hà Nội như làm thuê quán cafe, bán mỹ phẩm, bán đồ ăn online, nhân viên văn phòng... Năm 2019, cô chính thức mở một quán cafe ở TP. Hạ Long. Nhưng chỉ đến cuối năm đó, cô gặp khó khăn để duy trì công việc kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021, khi công việc kinh doanh ổn định hơn, Thu Hương quyết định về hẳn quê nhà để định cư lâu dài và sống gần bố mẹ. Lúc mới về đảo Vân Đồn, cô chọn làm sale bất động sản vì thấy nghề này có mức thu nhập tốt. Đây cũng chính là thời điểm giúp Hương có khoản tích lũy để mở khu cắm trại sau này.
Được biết, ở thời điểm ban đầu, Thu Hương và các cộng sự hùn vốn được khoảng 800 triệu đồng cho công việc kinh doanh. Đến hiện tại, sau 14 tháng hoạt động, số vốn đã tăng lên khá nhiều.
Thu Hương
Những điều vỡ lẽ của hội bỏ phố về quê
Với Nhựt Duy, lần thứ ba trở về đảo lập nghiệp, chàng trai chọn mở quán nướng nhỏ ven biển với khoản tiết kiệm đã có ở TP.HCM. Tuy nhiên, anh chàng lại tiếp tục gặp thất bại. Duy đã đóng quán sau 3 tháng hoạt động do không có mặt bằng cố định và gặp bất lợi về thời tiết.
Nhờ sự động viên từ gia đình, Nhựt Duy lấy lại tinh thần và cùng bạn bè hùn vốn kinh doanh. Đến hiện tại, sau gần 2 năm về đảo, Duy đã đầu tư vào 4 dịch vụ: homestay, chèo sụp lặn ngắm san hô, glamping và mới nhất là mở công ty du lịch. Tất cả số tiền đầu tư vào những dịch vụ này đều được anh chàng tích góp trong khoảng thời gian quay về Phú Quý.
"Thu nhập hiện tại của mình tốt hơn khi làm việc ở TP.HCM. Tuy nhiên, vì đầu tư kinh doanh khá nhiều nên việc quản lý chi phí và thu nhập cũng phức tạp hơn. Thay vì chỉ nhận lương hàng tháng, giờ đây mình còn phải kiểm soát dòng tiền để đảm bảo hiệu quả kinh doanh" - Duy kể.
Khu glamping kết hợp cà phê và quán ăn của Duy
Dù đã có kinh nghiệm và mọi việc dần ổn định hơn nhưng Nhựt Duy cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình kinh doanh ở đảo. Chàng trai kể: "Khó khăn đầu tiên là vì thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát và sử dụng nguồn vốn nên chi phí xây dựng khu glamping đã phát sinh rất nhiều so với số vốn ước tính ban đầu. Lúc đó lại là cuối năm, thời tiết thất thường nên làm chậm quá trình thi công.
Tiếp theo là vấn đề thời tiết và lượng khách hàng ở mỗi mùa. Do đặc thù thời tiết ở Phú Quý có 6 tháng biển lặng và 6 tháng biển động nên các khoản thu nhập không ổn định, chủ yếu rơi vào từ 6 - 7 tháng/ năm.
Ngoài ra nguồn nhân lực ở đảo cũng không thoải mái như trong đất liền, gây ra những khó khăn cho việc vận hành. Nhân viên đa phần là các bạn học sinh - sinh viên nên kinh nghiệm làm việc không nhiều, thời gian làm việc không được ổn định".
Hiện tại, đảo Phú Quý sắp vào mùa biển động, vắng khách du lịch nhưng Duy vẫn cố gắng duy trì các hoạt động bình thường và theo dõi kỹ thời tiết để có hướng dự phòng tốt nhất. Ngoài ra anh chàng cũng muốn dùng thời gian này học thêm một vài khóa học về social media, quản trị, vận hành,... để phát triển bản thân đồng thời lập ra những kế hoạch mới cho mùa đông khách.
Cùng hoàn cảnh với Duy, Thu Hương cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào kinh doanh. Đáng nhớ nhất là cô nàng từng suýt mất hơn 100 triệu đồng trong một đêm vì toàn bộ sạp gỗ để dựng trại bị lũ cuốn trôi. May mắn là sau đó các anh em đi mò lại được nên bớt thiệt hại.
Khu cắm trại của Hương
"Mô hình cắm trại phải chọn nơi cách xa trung tâm để tăng trải nghiệm thư giãn bình yên cho khách. Chính vì vậy mà chi phí xây dựng, vận hành đều bị đội lên cao như hàng hoá vận chuyển xa thì tăng thêm chi phí, nhiều thứ thiếu thốn chứ không sẵn như ở phố, tuyển nhân lực khó mà tìm được thì chi phí cũng cao,...
Ban đầu mình cứ nghĩ làm mô hình này cho nhàn, cho vui nhưng thực ra vận hành rất cực, hết lần này đến lần khác vỡ mộng. Khách đi chơi tập trung cuối tuần và ngày lễ nhưng có tháng cứ cuối tuần là mưa to gió lớn nên bọn mình 'đói' cả tháng. Rồi những ngày đông khách, không đủ nhân lực thì tất cả mọi người lao vào làm đủ việc từ chạy bàn, setup lều, miễn là hỗ trợ khách khi cần. Thậm chí từ khi làm camping mình còn biết thêm nướng gà, giờ thâm niên hơn 1 năm nên trình độ cũng đỉnh lắm", cô nàng chia sẻ.
Về xu hướng bỏ phố về đảo của người trẻ, Nhựt Duy bày tỏ: "Tuỳ theo định hướng của bản thân mà mỗi người sẽ có lựa chọn và quyết định khác nhau. Nếu các bạn không có sự chuẩn bị kỹ thì mình không cổ xuý việc bỏ phố về đảo thành một xu hướng và không phải xu hướng nào cũng đúng với tất cả mọi người. Vì vậy dù quyết định nào thì mình cũng mong các bạn định hướng rõ mục tiêu của mình và cố gắng hết sức để theo đuổi mục tiêu đó" .
Còn về phía Thu Hương, cô nàng cũng gửi gắm lời khuyên: "Hãy tích lũy cả tài chính và kinh nghiệm càng nhiều càng tốt trước khi bắt tay vào làm việc gì. Hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ vậy nên làm tốt từng việc nhỏ trước, đừng vội vàng. Mỗi khi gặp khó khăn mình đều tích cực tin rằng chỉ cần vượt qua là sẽ tiến bộ hơn và sự thật là hơn 1 năm qua mình và đồng đội trưởng thành hơn rất nhiều. Hơn nữa cũng đừng sợ khi không có ai làm giống mình vì người đi đầu luôn có lợi thế. Mọi người sẽ có thật nhiều quả ngọt ở quê hương giống như bọn mình nhé!" .