Mỗi lần ra chợ xứ Bắc, ấy là cả một hành trình đấu trí, đấu lực với các chiêu thức đa dạng, bởi những thịt cá, tôm tươi, cho đến rau củ quả bày tràn lan, để chọn ra được thứ (người mua tự nhủ rằng) ngon nhất chợ, khác biệt nhất, thậm chí là rẻ nhất… hẳn là một nghệ thuật.
Mua chọn mặt, bán chọn người
Một trong vài chiêu cơ bản của nghệ thuật đi chợ, không phải trả giá mua cho rẻ, mà ngược lại, “lấy thịt đè người”. Một cân ba chỉ giá 180 nghìn đồng, chọn mua xong, phang cho bà bán thịt 200 nghìn đồng rồi nhỏ nhẹ: “Chị cứ giữ tiền thừa, ôi dăm ba đồng có gì đâu, dành mua cho cháu nhà cái kẹo”.
Một lần ra chiêu, chưa thể đủ, phải làm đi làm lại vài lần gây… thương nhớ với bà hàng thịt, giản đơn thế thôi, ấy mà lần sau khi có miếng thịt ngon, chưa kịp đến gần hàng thịt đã được xởi lởi mời gọi đầy nhiệt tình.
Có dịp đi chợ cùng chị bạn người làng An Trạch (chợ cuối phố Đoàn Thị Điểm, Q.Đống Đa, Hà Nội). Chợ nhỏ, như một khu tự phát, hàng thịt bày ven đường. Chị bạn đỗ xe, tiến sát mợ bán thịt tươi cười, xởi lởi: “U ơi, ở dưới còn miếng nào ngon, để cho con với, hôm nay mẹ chồng sang chơi”. Nhìn mẹt thịt bày la liệt trên bàn, tưởng là có bao nhiêu hàng ngon đều phơi sẵn ra đấy, ấy thế mà bà hàng thịt mắt trước mắt sau, lôi trong cái túi cói dưới chân ra miếng nạc vai đầu giòn, một miếng đế thăn… rổn rảng: “Có hai miếng này ngon lắm con ạ, mấy hôm không thấy mày ra chợ, tao biết thế nào hôm nay mày cũng ra, u dành cho mày đấy”.
Cầm hai miếng thịt mang về, chị bạn sướng tê, tiết lộ: “Mụ đấy khó tính nhất chợ, không biết điều có mà chửi toang, nhà mình đi chợ, nịnh nọt mãi mới thành thân, có gì ngon nhất là để dành”.
Người đi chợ chẳng lạ gì độ đanh đá, khả năng chửi như hát hay của người bán nơi xóm chợ. Chuyện làm thân với chủ hàng thịt, hàng cá, hàng rau - những thứ cơ bản của bữa ăn mỗi ngày - thực là cực kỳ quan trọng.
Không gian chợ, như một sân khấu chèo ngoài trời, chị hàng cá vừa quay đầu văng tục mắng xơi xơi cô gái trẻ: “Cá bà thế này mà mày bảo không tươi, cá này không tươi cả chợ chả có cái con abc gì tươi cả…”. Vừa hết câu, quay mặt hướng khác, gặp đúng khách quen, điệu bộ cử chỉ lập tức khác hẳn: “Ôi chị, lâu quá chẳng chịu ghé em, làm con cá lăng đi, cá hôm nay ngon, đang định gọi chị đây này…”. Những ngôn ngữ mang cung bậc… dạt dào đến thế, chỉ có ở chợ.
Trong không gian chợ, chuyện mua chọn mặt, bán chọn người, như một thứ “luật” đầy thú vị. Ngày đến ngõ Văn Chương nối ra phố Khâm Thiên, thăm nhà người bạn, đúng lúc bác chủ nhà mặt hầm hầm, xách gói thịt ông xã vừa mua, phi xe ra chợ để... “hỏi cho ra nhẽ con nào dám bán thịt đểu” (kém tươi ngon) cho anh chồng.
Hóa ra do bận việc, chị chủ nhà bảo chồng ra hàng thịt mua ít ba rọi. Đang thời Covid-19, anh chồng mặt đeo khẩu trang, bà hàng thịt không nhận ra, nhận ngay phải miếng thịt không như ý. Dăm phút sau, chị chủ về đến nhà, dải miếng thịt vừa đổi, mặt đầy phấn khởi: “Bọn này nó làm ăn vậy em ạ, láo lắm, sểnh cái là cẩu thả, cho thịt vớ vẩn ngay, chị ra quạc cho một trận, con bán thịt xin lỗi vì không nhận ra anh nhà”.
Cũng là chiêu cả thôi mà!
Mỗi người nội trợ, bao giờ cũng giữ những “chiêu phép” hay ho, chọn cho mình món tươi - ngon nhất chợ, người bán cũng có những “bài vở” riêng để đối trọng. Chỉ cái màn giấu đồ ngon, dành cho khách quen, cũng muôn hình vạn trạng. Cứ bán ế ế tí, lại dúi xuống cái giỏ dưới chân miếng thịt, khách vừa đến, lại lôi lên, kiểu gì cũng bán ngay được thay vì cứ bày trên bàn. Người mua bao giờ cũng tự tin vào mối quan hệ thâm niên với người bán, và luôn nghĩ rằng thứ mua được luôn ngon nhất chợ, ở góc độ tâm lý, đấy là lối suy nghĩ tích cực.
Mua được đồ tươi ngon, tinh thần thoải mái, vui vẻ, bữa cơm gia đình hôm ấy chắc chắn sẽ càng thêm đầm ấm bội phần. Chợ quê, chợ tự phát, chợ làng dù nay nằm trong lòng phố... vẫn tồn tại, hẳn dựa vào những mối dây liên hệ bán - mua đầy thú vị như thế.