Mới đây, cụ ông bán nước mát vỉa hè ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) bỗng chốc nổi tiếng trên mạng xã hội.
Cụ ông ngậm ngùi nghỉ bán hàng vì bị dư luận soi mói
Cụ ông 67 tuổi, mỗi tối đều đẩy xe chở những chiếc thùng nước mát bày hàng, đến nay đã được 17 năm.
Nước đậu xanh, nước ô mai, chè ngân nhĩ, lê hấp đường phèn, cao quế hoa… thức uống giải khát mùa hè nào cũng có.
Mỗi cốc nước mát chỉ 2 NDT (gần 7 nghìn đồng), đều được nấu từ nguyên liệu tươi, sạch. Xin cốc nữa ông cũng sẵn sàng cho thêm mà không lấy tiền.
Nếu là người già và trẻ em đến mua, thậm chí ông còn không nhận tiền.
Mỗi lần cụ ông bày hàng đều kèm theo một cái loa nhỏ, phát những bản nhạc xưa rồi thích chí chào mời: “Nước mát 8 vị đây, chỉ 2 tệ một cốc, bao no”.
Không ngờ rằng, nhờ một đơn vị truyền thông nào đó vô tình quảng cáo, câu chuyện “cụ ông bán nước mát hào sảng” được lan truyền khắp mạng xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống bình lặng qua ngày của ông đã bị phá tan.
Ngay sau đó, dân mạng bắt đầu công kích cụ ông tội nghiệp:
“Mấy loại nước này chưa chắc hợp vệ sinh, lại còn không mang khẩu trang, bao tay…”.
“Nghe nói con cháu của ông bất hiếu nên mới để ông đi bán buôn như vậy”.
Cụ ông mặc dù không xem tin tức, cũng không sử dụng mạng xã hội, nhưng cháu của ông đã đọc được những bình luận ác ý đó và tự nhốt mình trong phòng khóc nức nở.
Ông đau lòng, tự trách bản thân đã làm liên lụy gia đình. Thế là ông quyết định không đẩy xe bán nước mát nữa, trở về cuộc sống bình thường dưỡng già.
Một “hot Tiktoker” tìm đến nhà và hy vọng ông nói vài lời trước vụ việc vừa qua.
Cụ ông rơm rơm nước mắt nhưng vẫn cười nói trước ống kính:
“Bây giờ tôi không bán nữa. Mọi người đừng tìm tôi nữa nhé. Tôi không đẩy xe bán nữa đâu. Chúc mọi người khỏe mạnh, sống vui vẻ. Tôi thật sự rất xúc động khi nói những lời này”.
Mạng xã hội, hay chính xác hơn là áp lực dư luận đã khiến cụ ông bán nước mát mười mấy năm không dám tiếp tục sinh kế. Giờ đây ông đã nghỉ hưu, có lẽ cư dân mạng đã được thỏa mãn và buông tha cho ông.
Trên mạng, 9 người 10 ý, bới lông tìm vết, như cầm sẵn chiếc kính lúp để tìm kiếm sơ hở chỉ trích và soi mói. Họ tự cho bản thân quyền đứng ở vị thế đạo đức cao hơn để phán xét và dồn ép người khác vào đường cùng.
Một người lớn tuổi như cụ ông bán nước mát không thể nào chịu đựng được kiểu bạo lực mạng này nên đã quyết định cáo lão hồi hương.
Đăng hình đính hôn, không nhận được chúc phúc mà còn bị gièm pha không thương tiếc
Một vụ bạo lực mạng không lâu trước đây cũng nổi cộm không kém.
Ở thành phố Hợp Phì (An Huy, Trung Quốc), một cô gái trẻ đăng tải bức ảnh đính hôn lên mạng xã hội.
Vốn tưởng sẽ được bạn bè chúc phúc, nhưng không ngờ rằng trong bình luận lại có người đồn đoán rằng cô là “gái mát-xa ở phòng tắm hơi”.
“Người ngoài không biết, chứ người Hợp Phì đều biết địa chỉ số 8 này”.
Thế là vô số người hùa theo:
“Giá cả thế nào? Bây giờ có đặt hẹn được không”.
“Anh này hay quá. Vừa nhìn là biết được cô này làm ở dịch vụ mát-xa số 8, tôi nhìn cả buổi không nhận ra”.
Bức ảnh "những cô gái trong lớp học trở thành quý tộc" vén màn câu hỏi: Vượt lên giai cấp hay chỉ là sự gượng ép hòa nhập?
Càng khó tin hơn là lời đồn này ngày một nhiều hơn và càng “chi tiết” hơn: “Trên người cô ta có nốt ruồi”, “Cô ta ngủ có tật nghiến răng”, “Không thể nào quên được đêm vui vẻ đó của chúng tôi”...
Cuộc sống bình yên hạnh phúc của cô gái bỗng chốc đảo lộn trong một đêm. Lời đồn ác ý đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống của cô.
Cô chỉ có thể lên mạng tung bằng chứng chứng minh bản thân không phải nhân viên mát-xa, mà là một nhân viên tài chính ở công ty tư nhân bình thường.
Thế nhưng cư dân mạng vẫn không tin bằng chứng của cô gái: “Hình này là photoshop”.
Đến khi cô gái nhờ pháp luật vào cuộc để bảo vệ lợi ích cho mình thì người phát tán lời đồn thản nhiên nói 1 câu: “Chỉ nói chơi mà thôi”.
Đối với cộng đồng mạng, đây chỉ là “một trò đùa nhỏ nhoi”, nhưng nó đã hủy hoại cuộc sống của một cô gái.
Mạng xã hội, nhìn vậy mà không phải vậy!
Cô gái Tiểu Trịnh tóc hồng sinh năm 1995, sau khi thi đậu cao học đã phấn khích mang giấy báo trúng tuyển đến bệnh viện khoe với ông nội. Cô đã chụp lại bức ảnh kỷ niệm cùng ông, rồi đăng tải trên mạng xã hội.
Không ngờ rằng, bức hình đã thu hút nhiều lượt bình luận đầy ác ý:
“Nhuộm màu tóc giống tiếp viên bán quán bar quá nhỉ?”... Thậm chí còn có những bình luận liên quan đến ông nội của cô gái: “Nhìn đứa cháu gái thế này chắc đi sớm hơn nhỉ?”.
Cô gái đang yên đang lành chỉ muốn chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ với ông nội nhưng lại bị “giội gáo nước lạnh”, mất ngủ nghiêm trọng, bị ảnh hưởng đến việc học tập.
Mạng xã hội là một thế giới thu nhỏ. Ở đây, con người đối mặt với nhau bằng chiếc màn hình, giao tiếp bằng con chữ. Những hạn chế này khiến nhiều người không thể phán đoán được sự thật phía sau câu chuyện. Đó là còn chưa kể đến tin tức, hình ảnh trên mạng xã hội được làm giả hoặc đính kèm nội dung dẫn dắt dư luận.
Một người dùng thông minh phải biết lựa chọn nội dung phù hợp với bản thân và quy chuẩn cộng đồng lẫn đạo đức. Những gì chúng ta thấy qua màn ảnh chưa chắc đã như vậy ngoài đời thật.
Bạn thấy một người khoe ảnh chụp cuộc sống giàu sang, thế là bạn ghen ăn tức ở, so đo với họ. Nhưng thực tế, mỗi người một cuộc sống, ai cũng có nỗi khổ riêng. Bạn chẳng thể nào hiểu được góc tối của họ, mà chỉ biết chăm chăm vào cái hào nhoáng bên ngoài mà thôi!
(Nguồn: Zhihu)
https://afamily.vn/cu-ong-ban-nuoc-mat-hao-tam-bi-mang-xa-hoi-vui-dap-boc-tran-mat-xau-cua-the-gioi-ao-20220810155457688.chn