Mặc dù có không ít bạn bè và người quen, Rohit Singla, một Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Vancouver, Canada cho biết anh cảm thấy cô đơn “toàn thời gian”. “Tôi nghĩ về cơ bản, tôi là 1 người cô đơn”, người đàn ông 31 tuổi nói. Đằng sau một người đàn ông có học thức, bằng cấp và địa vị xã hội là một người thiếu sự kết nối sâu sắc, sự quan tâm từ người khác.
Với Rohit, việc gặp gỡ bạn bè lâu năm chỉ càng làm nhấn mạnh khoảng cách vô hình đã quá xa giữa anh và bạn bè, những người giờ đây đều đã tập trung vào mối quan hệ với bạn gái/bạn trai hoặc vợ chồng của họ thay vì tình bạn. Khi nhóm chat với bạn bè luôn gặp tình trạng “xem không rep”, Rohit biết mình chỉ là ưu tiên phía dưới trong danh sách của bạn bè.
Chỉ thi thoảng, Rohit cảm thấy ấm áp khi có người bạn nào đó chủ động hỏi thăm anh đang như thế nào. Nhưng những cảm xúc đó chỉ thoáng qua. Còn lại phần lớn thời gian trong cuộc sống, Rohit sống cô lập về mặt cảm xúc với thế giới bên ngoài: “Cô đơn là cảm giác âm ỉ và kéo dài liên tục”.
Cô đơn là một "đại dịch"
Câu chuyện của Rohit không có gì bất ngờ vì hiện nay, nó đã quá phổ biến. Trong thập kỷ qua, sự cô đơn đã đạt đến cái gọi là mức độ "dịch bệnh", khi các quan chức y tế công cộng cũng như các nhà nghiên cứu đều đã định lượng các tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất của việc sống cô lập với xã hội là có thật và nguy hại.
Trong xã hội hiện đại, chúng ta có vô vàn cách để cảm thấy cô đơn. Cô đơn có thể là nỗi sợ hãi cô lập khi không tìm được vị trí của mình trên thế giới, là cảm giác xa lạ dù xung quanh là những gương mặt quen thuộc. Đó có thể là sự đau buồn sau khi mất đi một người bạn yêu thương. Cô đơn có thể là cảm giác không có kết nối với người khác, không thể thấu hiểu, đồng cảm với bất kì ai. Hay nó cũng có thể đơn giản là bạn cảm thấy lo lắng khi nhớ lại đã bao lâu rồi bạn chưa gặp lại người bạn thân nhất của mình.
Ảnh minh họa
Đối với Rohit Singla, sự cô đơn là một gánh nặng có thể sờ thấy được: “Tôi cảm thấy sự cô đơn nặng nề về mặt thể chất, cũng tạo ra một sự bất ổn về mặt cảm xúc. Cảm giác không ổn định. Tôi gần như cảm thấy như mình vừa đánh mất chính mình vậy”.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho những trải nghiệm này với hy vọng rằng bằng cách phân biệt nguyên nhân sâu xa của sự cô đơn, mọi người có thể hiểu rõ hơn cách giải quyết nó.
Cô đơn là gì?
Trạng thái cô lập không phải là trạng thái cô đơn. Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Brigham Young, cho biết: “Mọi người vẫn có thể cảm thấy cô đơn khi ở cạnh những người khác, và bạn có thể bị cô lập nhưng không cảm thấy cô đơn”.
Cô đơn đề cập đến cảm giác đau khổ khi mà bạn có những ham muốn kết nối xã hội không phù hợp với thực tế của bạn. Ai đó có thể có một người bạn tâm giao thân thiết nhưng vẫn cảm thấy thiếu kết nối xã hội. Một số người khác có thể tương tác với mọi người cả ngày nhưng lại khao khát được trò chuyện sâu sắc.
Cô đơn là một trải nghiệm cá nhân, không phải là một trải nghiệm khách quan. Người ngoài không thể chẩn đoán một người là cô đơn; chỉ người đó mới có thể thừa nhận sự cô đơn của mình.
Holt-Lunstad cho biết, cũng giống như đói hay khát, sự cô đơn là một tín hiệu sinh học thúc đẩy mọi người cần phải thỏa mãn nhu cầu tương tác xã hội. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa sự cô đơn thoáng qua - một khoảng thời gian đau lòng đến rồi đi - và sự cô đơn kinh niên.
Theo một bài đánh giá năm 2021 về các nghiên cứu về sự cô đơn có từ năm 1945, trải nghiệm về sự cô đơn được chia thành ba loại: xã hội, cảm xúc và hiện sinh. Cô đơn về mặt xã hội là thiếu kết nối xã hội với những người bạn biết và yêu thương. Nếu bạn đang đau buồn vì mất đi một người nào đó, bạn đang trải qua sự cô đơn về mặt cảm xúc. Những người cảm thấy xa cách người khác do cái chết, ly hôn, hoặc sự suy giảm về thể chất hoặc tinh thần được cho là phải chịu đựng nỗi cô đơn cảm xúc.
Ngoài ra còn có 1 loại cô đơn là kết hợp về những ham muốn xã hội giao thoa và chồng chéo: khao khát một cộng đồng khác bên ngoài những cộng đồng bạn đang sinh sống, mong muốn sự kết nối mật thiết do một người bạn đời lãng mạn mang lại.
Ảnh minh họa
Trải nghiệm về sự cô đơn thay đổi khi cuộc sống thay đổi
Sự cô đơn có nhiều hình thức khác nhau trong suốt cuộc đời của một người. Ví dụ, một đứa trẻ có thể cảm thấy bị bạn bè cùng lứa tẩy chay về mặt xã hội. Những người mới làm cha mẹ thường cảm thấy bị tách rời khỏi cộng đồng của họ, đặc biệt là với những người bạn không có con.
Khi nghỉ hưu, mối quan hệ với đồng nghiệp cũ có thể trở nên nhạt dần nếu không có sự gần gũi về mặt vật lý. Những người cô đơn vì họ di dời về mặt địa lý sẽ cảm thấy điều gì đó khác với những người cô đơn vì vợ/chồng của họ vừa qua đời, hoặc ai đó cảm thấy cô đơn vì họ bị giới hạn trong ở trong nhà của họ.
Một yếu tố nữa góp phần làm “dịch bệnh cô đơn” phổ biến và trầm trọng hơn là mạng xã hội. Nó định hình kỳ vọng của chúng ta về các mối quan hệ. Theo một nghiên cứu gần đây, những người trẻ dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội như một phương tiện để duy trì các mối quan hệ lại cảm thấy cô đơn hơn những người có động cơ sử dụng mạng xã hội khác.
Các yếu tố xã hội, sức khỏe và kinh tế cũng khiến con người dễ cô đơn hơn. Theo Chỉ số Hạnh phúc và Sức khỏe Quốc gia Gallup, những người trẻ tuổi dưới 30 và những người kiếm được ít hơn 24.000 USD mỗi năm cho biết mức độ cô đơn cao hơn so với những người lớn tuổi và giàu có hơn.
Cách để “chữa trị” cô đơn
Cũng giống như đói hay khát, sự cô đơn là một tín hiệu sinh học thôi thúc con người thỏa mãn nhu cầu giao tiếp xã hội.
Hiểu được nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn có thể giúp các cá nhân - và xã hội - giải quyết nó một cách hiệu quả. Bởi vì mỗi khía cạnh của sự cô đơn và sự kết nối đòi hỏi những giải pháp khác nhau, nên một gợi ý chung chung có thể không hiệu quả với mọi cá nhân. Tăng cường tiếp xúc xã hội có thể không làm giảm bớt sự cô đơn của ai đó. Mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy.
Một nghiên cứu khác cho biết 71% người lớn tuổi đã cảm thấy cô đơn trong suốt cuộc đời của họ. Nhóm nghiên cứu đã hỏi những người tham gia cách họ giải quyết nỗi cô đơn trong quá khứ. Câu trả lời có thể đơn giản chỉ là đến nhà thờ hoặc quán rượu.
Nếu bạn cảm thấy mình đang thiếu một cộng đồng, việc tham gia câu lạc bộ sẽ không khiến bạn thỏa mãn. Thay vào đó, hãy xem xét các khía cạnh quan trọng trong danh tính mà bạn muốn khám phá. Chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi là …”. Ví dụ, nếu bạn trả lời “Tôi là người da đen”, “Tôi là một người theo đạo”, “Tôi là một người mẹ”... thì hãy tự hỏi bản thân tiếp: “Tôi có đang thuộc cộng đồng của từng đặc điểm định danh này không?”. Nếu không, bạn có thể muốn tìm kiếm sự kết nối với những người có chung một trong những đặc điểm định danh đó.
Ảnh minh họa
Bạn cũng không cần phải kết bạn mới ở tuổi trưởng thành để chống lại sự cô đơn. Làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hiện có mới là giải pháp dễ dàng hơn. Tất nhiên, đa dạng hóa vòng tròn quan hệ xã hội của bạn bằng cách tương tác với người lạ và người quen mới cũng mang lại sự thỏa mãn về mặt xã hội.
Sự kết nối cũng có thể được tìm thấy ngay cả khi bạn không kết nối với con người. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ với các địa điểm (như quê hương hoặc con đường đi dạo mỗi ngày) và các hoạt động (như âm nhạc hoặc nghệ thuật) cũng có thể hạn chế sự cô đơn.
Giải quyết bất kỳ hình thức cô đơn nào cũng không phải là nỗ lực chỉ trong một sớm một chiều. Các mối quan hệ thuộc mọi loại đều đòi hỏi sự cống hiến và kiên trì để nở hoa. Hãy coi hành trình hướng tới sự hòa hợp xã hội của bạn như chăm sóc một khu vườn, gieo hạt giống cho nhiều loại kết nối khác nhau, chúng ta mới có thể “chữa trị” được bệnh cô đơn.
Nguồn: VOX