Phi công là một nghề được nhiều người mơ ước, không chỉ bởi thu nhập khủng mà còn vì những trải nghiệm thú vị do công việc này mang lại. Dù giờ giấc làm việc không theo lịch cố định mà tùy thuộc vào giờ chuyến bay, có thể là giữa trưa nắng chang chang, cũng có thể là sáng sớm khi gà còn chưa gáy, nhưng được làm việc tại "văn phòng trên mây" là niềm hạnh phúc của mọi phi công.
Được ngồi ở vị trí này là mơ ước của vô số người.
Không chỉ cần kiến thức uyên bác, kỹ thuật lái máy bay chuyên nghiệp và xử lý tình huống nhanh nhạy, phi công còn phải tuân theo vô số những nguyên tắc riêng để đảm bảo có được chuyến bay thuận lợi nhất cho hành khách và cả phi hành đoàn. Những người mặc bộ đồng phục phi công nắm giữ rất nhiều bí mật trên máy bay, đặc biệt là khu vực buồng lái, bởi nhờ có những bí mật ấy mà họ giữ an toàn được cho bản thân và các chuyến bay.
Mới đây, Nguyễn Quang Đạt - chàng cơ trưởng trẻ nhất hãng hàng không Pacific Airlines đã chia sẻ một đoạn video ngắn ghi lại khoảnh khắc anh đang làm việc trong buồng lái máy bay. Có rất nhiều công đoạn phi công phải hoàn thành trong suốt hành trình bay từ lúc chưa cất cánh cho đến khi hành khách lên chỗ ngồi, chuẩn bị rời đường băng, rồi cả khi hạ cánh, cứ lặp đi lặp lại như thế suốt hàng vạn chuyến. Nghe có vẻ nhàm chán, nhưng Quang Đạt và các đồng nghiệp đều duy trì thói quen làm việc nghiêm túc, không bỏ sót công đoạn nào.
Trong chiếc video ngắn ấy, Quang Đạt vô tình tiết lộ một thông tin khiến dân tình chú ý. Đó là câu nói "Người đàn ông sau cánh cửa chống đạn mà các bạn hay chỉ biết tên mà không biết mặt". Để ý kỹ hơn thì sẽ thấy khoảnh khắc một nữ tiếp viên bước vào buồng lái từ sau lưng chàng phi công trẻ, cửa rất nhỏ chỉ đủ 1 người đi qua. Thật tò mò không biết chiếc cửa ấy có gì đặc biệt mà có thể chống đỡ cả súng đạn nhỉ?
Cánh cửa nhỏ xíu sau lưng cơ trưởng Quang Đạt thu hút sự tò mò của nhiều người.
Sự thật thì chiếc cửa hoàn toàn có thể trở thành "tấm khiên" kiên cố, bởi các chuyên gia nghiên cứu hàng không tiết lộ rằng cửa buồng lái có kết cấu vô cùng vững chắc, chịu được sức nổ của lựu đạn. Chiếc cửa này thường xuyên được khóa trái trong suốt hành trình bay và có mã khóa bảo mật thận trọng. Việc lộ mã bảo mật cửa buồng lái có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho máy bay.
Hệ thống an ninh buồng lái được lập trình cho phép phi công ngoài khoang truy cập vào buồng lái. Tuy nhiên, người bên trong buồng lái có thể từ chối quyền truy cập. Trong trường hợp bất cứ phi công nào trong buồng lái bị mất năng lực điều khiển máy bay, có một bảng điều khiển cho phép thành viên tổ bay nhập mã truy cập để vào buồng lái.
Chiếc cửa đặc biệt này hoạt động ở 3 chế độ khác nhau. Ở chế độ "Bình thường", nếu buồng lái bị khóa thì vẫn có thể truy cập được trong vòng 30 giây sau khi nhập mã nếu thành viên phi hành đoàn không thấy tín hiệu phản hồi bên trong. Chế độ "Mở khóa" được sử dụng khi phi công muốn mở cửa cho đồng nghiệp quay vào buồng lái, chẳng hạn sau khi đi vệ sinh.
Khi ở chế độ "Khóa trái", nghĩa là hệ thống cửa từ chối mở ngay cả khi đã nhập mã truy cập vào bảng điều khiển và duy trì trạng thái khóa cửa buồng lái trong 5 phút. Cơ chế này cho phép lặp đi lặp lại. Do đó, đây là cách dễ dàng để ngăn không tặc khống chế buồng lái sau khi cướp được mã truy cập từ thành viên tổ bay bên ngoài khoang điều khiển.
Một số máy bay lắp đặt màn hình hiển thị báo cho phi công biết có người đang đứng bên ngoài cửa buồng lái. Nếu một phi công không thể truy cập vào buồng lái, có nghĩa là đồng nghiệp bên trong đã từ chối không cho vào.
Cửa chống đạn buồng lái và mã khóa buồng lái là 2 chi tiết đặc biệt, đảm bảo an toàn cho máy bay, phi hành đoàn và các hành khách.
Vậy phi công có bắt buộc phải luôn có mặt trên ghế điều khiển máy bay trong suốt hành trình hay không? Thực tế thì làm được điều đó hơi khó, bởi ai chẳng có nhu cầu đi vệ sinh hoặc làm gì đó tránh tê mỏi khi ngồi lâu. Có nhiều quy định khác nhau ở các nước cho phép phi công đi lại tự do ra khỏi buồng lái, ví dụ như hàng không Mỹ quy định 1 phi công rời khỏi chỗ thì phải có 1 tiếp viên đi vào khoang lái nhằm tránh phi công còn lại đe dọa đến an toàn chuyến bay. Còn ở Đức, luật bắt buộc 2 phi công luôn phải có mặt cùng lúc và thời gian được phép ra ngoài rất ngắn. Muốn đi qua cánh cửa buồng lái đâu phải việc dễ dàng!
Phi công có thể nói chuyện với tiếp viên hàng không qua cánh cửa chống đạn ấy. Riêng với hành khách thì rất ít hãng hàng không cho phép đi qua cánh cửa này để vào buồng lái. Nhìn thì tưởng "miếng cửa" ấy mỏng manh tí xíu, nhưng lại được trang bị tối tân đáng kinh ngạc, với vai trò quan trọng vô cùng, góp phần đảm bảo an toàn sinh mạng cho phi công và toàn bộ hành khách trên máy bay.