Những ngày cuối năm, khi mọi người đang tất bật với guồng quay của công việc, của gia đình hay của tất cả những xô bồ ngoài kia, có một câu chuyện giản dị nhẹ nhàng được chia sẻ trên MXH khiến bao người bồi hồi xúc động.

Câu chuyện của Đặng Văn Pháp - một bạn trẻ 23 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, kể về "hành trình" trao tặng chiếc máy kindle (máy đọc sách), đã chạm vào cảm xúc của tất cả mọi người khi dõi theo.

Tặng máy đọc sách với yêu cầu viết bài luận 200 từ

img8690-173470674113267434426.jpg

Bài chia sẻ đầu tiên của Pháp khi muốn trao tặng chiếc máy kindle của mình.

Cũng như bao nhiều người có đồ vật không dùng đến muốn tặng lại cho những ai cần; nhưng thay vì chỉ đăng bài tặng đồ, chàng trai trẻ này còn có thêm một yêu cầu khác: "Em xin duyệt bài luận dưới 200 từ với chủ đề: 'Vì sao anh (chị) muốn nhận máy này', và gửi vào địa chỉ mail".

Mới đọc qua ai cũng nghĩ, đây là "yêu sách" của một thanh niên nào đó thích chơi trội. Nhưng không, bắt đầu từ những mail đó, biết bao nhiêu câu chuyện được mở ra, mỗi người lại có một nỗi niềm, tâm sự riêng và bất ngờ thay chàng trai trẻ ấy dành tất cả thời gian rảnh trong ngày để đọc từng chiếc mail gửi về.

Đặng Pháp chia sẻ: "Mình nhận được 256 mail 'ứng tuyển nhận máy' gửi đến sau 24 giờ và con số này vẫn còn tăng. Mình dành hơn 12 tiếng để đọc cũng như phản hồi lại từng bức thư ấy.

Mình sẽ cố gắng trả lời toàn bộ 'bài luận' gửi về và chia sẻ những câu chuyện buồn vui, những lý do rất là tuyệt vời của các bạn đã tâm sự cùng mình. Mình lưu tất cả trong một bộ hồ sơ và sau này mỗi khi có tâm trạng, mình sẽ mở từng bức thư ra và đọc lại".

Câu chuyện về chiếc máy đọc sách đặc biệt

Trò chuyện cùng Đặng Pháp vào một ngày cuối năm, anh chàng nhớ lại những kỷ niệm gắn liền với chiếc máy kindle của mình. Chiếc máy đặc biệt đã 2 lần được tặng cho những người đặc biệt. Pháp kể về câu chuyện của mình 2 năm trước.

wwwfacebook-1-1734862905909716171281.png

Chàng trai trẻ Đặng Pháp

"Mình là người thích đọc sách, thú thật mình chưa từng đọc sách bằng máy kindle. Mình mua máy là dành tặng cho con gái chú Phụng - một người Quân nhân chuyên nghiệp đóng quân ngoài đảo" - Đặng Pháp kể lại.

Học hết năm lớp 12, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Đặng Pháp đã đi Nghĩa vụ quân sự, anh chàng được cử đi công tác tại đảo xa. Trong 1 năm công tác, Pháp quen với chú Phụng. "Hai chú cháu thường có 2 - 3 ngày trong tuần sẽ gác chung với nhau và tâm sự. Chú kể về con gái của chú rất nhiều, về ước mơ, hoài bão, và niềm đam mê đọc sách của bạn. Qua từng lời kể, mình cảm nhận được chú đang trao trọn tình cảm của một người cha vĩ đại cho con gái" - Đặng Pháp tâm sự.

Hoàn cảnh gia đình chú Phụng khó khăn, con gái lớn của chú 12 tuổi bị cận 7 độ và rất mê đọc sách. Mỗi ngày đứng gác chung, chú Phụng đều kể về con gái cho Đặng Pháp nghe.

Chú Phụng cứ kể những câu chuyện thường ngày nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến căn bệnh ung thư quái ác đang dày vò con gái nhỏ. Đến giai đoạn cuối, khi mọi người ngoài đảo quyên góp tiền, hỗ trợ gia đình chú Phụng, thì Pháp mới biết thông tin về bệnh tình của con gái chú và chàng trai trẻ đã gửi một chiếc máy kindle tặng cô bé. "Mình mong món quà nhỏ đó có thể giúp bạn tiếp tục theo đuổi đam mê đọc sách trong những ngày tháng chống chọi với bệnh tật" - Đặng Pháp tâm sự

Ba tháng sau, chú Phụng gửi lại Pháp chiếc máy kindle này cùng một câu chuyện buồn đã xảy ra và từ đó chiếc máy hết pin này không còn được bật lên nữa.

“Khi tim ta còn đập, chiếc máy này thấy ta. Nếu ta chết đi, mọi thứ cũng hóa tro tàn"

Đó chính là câu thơ trong một mail được gửi đến cho Đặng Pháp và cũng là của nhân vật thứ 2 mà chàng trai trẻ trao tặng chiếc máy kindle của mình.

img8725-1734860393971919326552.jpg

Chia sẻ của Đặng Pháp khi anh tìm được chủ nhân thứ 2 của chiếc máy kindle.

Nhân vật thứ hai mà Đặng Pháp trao tặng là một nhà văn, nhà triết gia giàu tình cảm và dành những ngày còn lại để đọc sách trên giường bệnh.

"Đó là một bức thư vô cùng xúc động được viết bằng tay, nét chữ nguệch ngoạc do tay bị run kèm theo một bài thơ rất tuyệt, trong đó có một câu: 'Khi tim ta còn đập, chiếc máy này thấy ta. Nếu ta chết đi, mọi thứ cũng hóa tro tàn'. Mình xin phép được giữ điều đó cho riêng bản thân vì đối với mình đó là món quà vô giá.

Chú biết đến bài viết tặng máy kindle thông qua một cô chung phòng bệnh. Chính cô ấy đã giúp chú truyền tải bức thư cho mình và kèm theo những lời gửi gắm yêu thương, cùng mong muốn những ngày cuối đời được đọc sách. Do tay chú bị yếu nên cầm sách khá là khó khăn, vậy nên chiếc máy kindle này sẽ là một món quà ý nghĩa ngay tại thời điểm này của chú" - Đặng Pháp tâm sự.

Chàng trai trẻ cũng tâm sự thêm, nếu trong những lúc khó khăn nhất mà chiếc máy có thể cứu giúp một người, vậy thì nó đã thay anh làm được một điều ý nghĩa. Đó là vinh dự và hạnh phúc nhất cuộc đời anh.

"Mình đã khóc khi chú Phụng không chôn chiếc máy cùng với con gái mà gửi lại cho mình. Dù đó là ước nguyện của mình, muốn chiếc máy có thể đồng hành cùng con gái chú. Khi may mắn tìm được người chủ nhân thứ 2, mình mong chiếc máy này đồng hành với chú đến suốt đời hoặc có thể giúp đỡ chú đến tận cùng của giá trị" - Đặng Pháp tâm sự.

"Mong những tấm lòng, xoa dịu những tấm lòng"

Con gái chú Phụng, hay người chú đang bệnh nặng, cả hai đều cháy bỏng khát khao được đọc sách, được tiếp tục khám phá thế giới ngoài kia, nhưng vì bệnh nặng nên phải gác lại tất cả. Chỉ có những trang sách mới có thể tiếp thêm sức mạnh để họ chống chọi lại bệnh tật, tiếp thêm động lực, khát khao để mỗi ngày qua đi, họ đều được sống trọn vẹn với đam mê của mình.

994ddd04-1170-42ec-a739-ea9d345eeba6-1-17348628229531128818546.jpegwwwfacebook-1734862822975352500412.png

Chiếc kindle mang sứ mệnh cao cả trong những câu chuyện của Đặng Pháp.

Kindle, chiếc máy tưởng như khô khan ấy lại gắn liền với hai câu chuyện xúc động. Như cái cách mà Đặng Pháp mua chiếc máy: "Mình mua để tặng cho con gái chú Phụng", ngay từ đầu chiếc máy đã mang một sứ mệnh vô cùng thiêng liêng.

Rồi đến nhân vật thứ hai, Đặng Pháp không nói "người thứ 2 mình tặng máy", mà anh kể lại câu chuyện của "người chủ nhân thứ 2", và một lần nữa chiếc máy ấy được anh trao đi mà không hề mong được nhận lại.

Quay trở lại câu chuyện của những mail mà Đặng Pháp nhận được. Đến thời điểm hiện tại, chàng trai ấy vẫn tiếp tục nhận được thư của mọi người gửi về ứng tuyển để được tặng máy.

Có những bạn trẻ đầy đam mê đọc sách và truyền cảm hứng, tài năng, tri thức và hiểu biết sâu sắc về cuộc đời. Có những bức thư chia sẻ, cảm thông, hỏi thăm đầy tình người: 'Dù rằng có nhận được máy kindle hay không, thì đây quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ sau ngần ấy năm rời nhà trường, cảm xúc ùa về khiến chị bồi hồi, mong chờ như tham gia một cuộc thi tranh giải' - Một chị chia sẻ, cũng chính là tâm trạng chung của hầu hết các bạn trẻ, các anh chị và cô chú khi đọc bài viết của Đặng Pháp.

"Cách trao tặng này đã rất hiệu quả giúp mọi người được giải tỏa tâm trạng chia sẻ, vừa ùa về cảm xúc, đồng thời là nhắc nhở bản thân trau dồi kiến thức bằng việc đọc sách" - Đặng Pháp bộc bạch.

Cả hai câu chuyện này được Đặng Pháp chia sẻ tại một group trao tặng trên MXH. Rất nhiều người đồng cảm và bồi hồi xúc động trước câu chuyện của chàng trai ấy.

- "Chúc mừng bạn đã tìm được chủ nhân kế tiếp cho máy, mình cũng hay trao đi những món quà và mình hiểu được cảm giác tìm được đúng người cần, nó hạnh phúc như thế nào".

- "Đọc câu chuyện của bạn thấy cuộc sống này thật ấm áp biết bao".

- "Ở những ngày đang chênh vênh vô cùng, tự nhiên bài này làm mình xúc động và ấm áp. Cảm ơn bạn thật nhiều, chúc cho những người tử tế luôn được bình an, cả những người khác nữa, mong ai bệnh thì nhanh khỏe. Mong những điều tử tế ngày càng nhiều!"

- "Trăm giọt mưa không giọt nào rơi sai chỗ. Mong những tấm lòng xoa dịu những tấm lòng".

Hạnh phúc vẫn sẽ vẹn nguyên khi chúng ta giúp đỡ một ai đó, không chỉ riêng Đặng Pháp mà bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi mình đã làm được việc có ích cho xã hội. Và chắc chắn rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ những hành động cho đi giản đơn nhưng cao đẹp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022