Nghỉ việc chỉ với một khoản tiền nhỏ: Tôi thấy hạnh phúc
“Tôi đã không làm việc kể từ năm ngoái”, đó là điều mà anh Q. (45 tuổi, sống tại Hải Phòng) chia sẻ.
“19 năm làm việc, tôi đã gặp được một công ty tốt, nếu không nó cũng chẳng thể tồn tại lâu như vậy. Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp không tệ, tôi thường có những khoảnh khắc vui vẻ mỗi ngày. Nhưng năm ngoái, tôi bất ngờ gặp phải một sự cố ở nơi làm việc khiến bản thân rơi vào tình trạng vô cùng stress. Cùng lúc đó, mẹ tôi ốm nặng, bố tôi qua đời, cách nhìn của tôi về cuộc sống đã thay đổi rất nhiều.”
Thế hệ những con người hiện đại đã luôn luôn nỗ lực hết sức mình trong cả công việc và cuộc sống. Mọi người tự thả bản thân vào những guồng quay bận rộn, không ngừng làm việc, mong muốn tiến lên. Đôi khi, quá bộn bề lại khiến họ chẳng có thời gian để tự nhìn lại bản thân, suy tính kỹ càng cho tương lai.
Họ chỉ thực sự nhận ra thời gian đang trôi qua với tốc độ chóng mặt khi một biến cố bất ngờ xảy ra.
“Khi đó, một đàn em vào công ty sau tôi khoảng 4-5 năm, từng được tôi dẫn dắt khi còn là người mới, đã được thăng chức. Trớ trêu thay, cậu đàn em đó lại trở thành sếp mới trong bộ phận của tôi. Bản thân tôi đã từng nghĩ rằng, sống ngày nào lo ngày đó vốn không có gì sai. Nhưng khi mình đã làm hết sức mình trong công việc mà vẫn không đạt được sự phát triển mong muốn, đó là một cú đánh thẳng vào tâm lý”, anh chia sẻ.
Biến cố gia đình cũng khiến anh hiểu sâu sắc về gánh nặng thời gian. Anh không ngừng tự hỏi: Tại sao mình cứ lặp đi lặp lại cùng một cuộc sống mỗi ngày? Không biết khi nào cuộc đời mình sẽ đột ngột kết thúc? Liệu trong giây phút cuối cùng đó, mình sẽ hạnh phúc hay đau khổ, sẽ thanh thản hay mệt mỏi?
Trăn trở muốn đi tìm câu trả lời, anh quyết định nghỉ việc. “Tất nhiên, tôi đưa ra quyết định này vì bản thân không có quá nhiều gánh nặng tài chính, không có bất kỳ khoản vay nào cần phải trả và một số tiền tiết kiệm nho nhỏ”, anh nhấn mạnh.
Trong sáu tháng không đi làm, anh bắt đầu thử sống một cuộc sống trọn vẹn mỗi ngày, thích ca hát, viết lách, du lịch, trò chuyện, mua sắm và chia sẻ. Tất cả những sở thích bị “xếp xó” trước đó dần được xuất hiện trở lại. Anh cũng thử làm tất cả những việc mà trước đây không có thời gian để làm.
“Tôi đã đặt mua một bộ ấm trà tinh xảo. Mỗi buổi chiều, tôi sẽ ngồi ngoài ban công pha một ấm trà cho mình, vừa sưởi nắng, vừa xem phim hoặc đọc sách, hay đơn giản là ngắm nhìn trời đất, người người qua lại. Tôi cũng đi ăn với bạn bè hai lần một tuần. Đặt lịch hẹn với những người khác nhau và lắng nghe những phàn nàn, than thở của mọi người. Đôi khi, tôi còn đi học viết thư pháp và làm đồ thủ công.”
Khẩu hiệu cho quãng thời gian hưu nhàn tuyệt vời này của anh Q. chính là: “Làm bất cứ điều gì bạn muốn.”
Ở tuổi bốn mươi, một nửa cuộc đời đã qua, thời gian dành cho bản thân không còn nhiều. Anh cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để bạn được làm chính mình, tự tay đem tới hạnh phúc cho bản thân.
Bí quyết để làm được điều này chính là giảm ham muốn vật chất, quản lý tốt các vấn đề tài chính và dành nhiều thời gian hơn cho chính mình.
Nghỉ hưu = Thay đổi trạng thái
Đối với những người đã bước vào độ tuổi 45 - 50, gần kề với giai đoạn trung niên, họ bắt đầu có thể cảm nhận sâu sắc rằng một nửa cuộc đời đã đi qua. Không ít người trong số đó cảm thấy hoang mang, lo lắng khi nhận ra, mình đã trôi qua nửa đời trong quá nhiều áp lực và gánh nặng.
20 năm đầu, họ học tập hết mình. 20 năm tiếp theo, họ bước vào xã hội và tiếp tục “chiến đấu” hết mình, xây dựng quan hệ, xây dựng mạng lưới, tích lũy năng lực, không ngừng tăng ca, muốn được người khác nể trọng, đồng thời không được quên nể trọng người khác…
Khi nhận ra thời gian đang trôi qua một cách chóng mặt, đột nhiên họ “bùng nổ” khao khát được tự do.
Thế hệ trước thường không hiểu về cảm giác này. Vào thời điểm đó, mọi người chưa có điện thoại di động, chưa có các ứng dụng mạng xã hội với tin tức tiêu cực tràn lan, không có chế độ tăng ca không ngừng nghỉ, giá nhà đất chưa bị thổi phồng quá cao khiến bạn đi làm cả đời cũng chưa thể mua được…
Thế hệ hiện tại lại đang đối mặt với những vấn đề của riêng mình. Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã mang lại sự tiện lợi và nhiều cơ hội hơn, nhưng đồng thời, nó cũng song hành với nhiều áp lực và sự cạnh tranh.
Chính vì thế, đến một giai đoạn nhất định, hầu hết mọi người sẽ bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ hưu, rồi dành phần đời còn lại cho chính mình.
Muốn làm được điều đó, quan trọng nhất là bạn phải tích lũy số tiền có thể trang trải chi phí cho khoảng 25 năm còn lại của cuộc đời. Ví dụ, nếu một gia đình tiêu 100 triệu đồng mỗi năm, về mặt lý thuyết, nếu họ tích lũy được 2,5 tỷ đồng, họ có thể ngừng làm việc. Đương nhiên, điều kiện đi kèm là họ không có bất cứ khoản nợ nào phải chi trả. Nếu họ có thêm một số khoản đầu tư rủi ro thấp sẽ giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống dễ dàng hơn.
Trên thực tế, nghỉ hưu không có nghĩa là không làm bất cứ điều gì, chỉ “nằm chơi xơi nước” mỗi ngày. Về cơ bản, bạn chỉ chuyển từ trạng thái “làm việc vì đồng tiền” sang “làm việc cho sự hạnh phúc của chính mình”. Số tiền tiết kiệm được là để bạn tự tin nói lời tạm biệt với những áp lực tiền tài nhọc nhằn.
Mất việc, cặp vợ chồng quyết định nghỉ hưu ở tuổi 30 và không sinh con để bớt áp lực: Chỉ ăn và chơi, sống mặc kệ đời liệu niềm vui tự do có kéo dài được mãi?