Tôi từng nghĩ "tối giản" là phải dọn sạch hết đồ đạc, chỉ sống với vài ba món cơ bản. Nhưng không. Tối giản hay còn gọi là minimalism thực chất là một cách suy nghĩ và sống nhẹ nhàng, rõ ràng và tỉnh táo hơn với chính mình. Sau khi xem một video chia sẻ về 10 nguyên tắc chọn giữ - bỏ đồ vật từ một YouTuber nổi tiếng, tôi áp dụng thử và thật sự bất ngờ vì cuộc sống thay đổi rõ rệt chỉ sau vài tuần. Tôi dọn được nhà, dọn được đầu óc và bắt đầu tiêu tiền ít hơn, sống vui hơn. Dưới đây là 10 nguyên tắc đó, đã được tôi điều chỉnh lại theo trải nghiệm cá nhân, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho bạn.
1. Nguyên tắc "Phòng vệ sinh vỡ ống nước": Nếu thứ này dính bẩn, bạn có còn muốn giữ không?
Một tình huống bất đắc dĩ trong video: Nhà bị vỡ ống nước, nước thải tràn vào tầng hầm nơi chứa đầy đồ "biết đâu sau này cần đến". Khi buộc phải lau dọn đống hỗn độn đó, chủ nhà mới tự hỏi: "Mình có thật sự cần đống đồ này không?".
Tôi đã hỏi mình câu đó khi nhìn vào tủ quần áo. Nếu cái váy này lỡ dính bẩn hoặc bị chuột gặm mất một phần, tôi có bỏ công giặt ủi, vá lại và vẫn yêu quý nó không? Nếu câu trả lời là không, thì có lẽ tôi chẳng yêu quý nó ngay từ đầu.
2. Nguyên tắc "Làm ngay trong 3 phút": Không làm liền là sẽ quên luôn
Dọn bàn ăn, xếp lại chăn ga, cho chén bát vào máy rửa... tất cả đều mất chưa đến 3 phút. Nhưng nếu bạn không làm ngay, bạn sẽ để đó "chút nữa làm", và "chút nữa" thì có khi kéo dài... đến tối.
Làm liền, làm ngay, chỉ mất vài phút nhưng sẽ giúp bạn sống nhẹ đầu cả ngày.

Ảnh minh họa
3. Nguyên tắc "Tảng băng trôi: Bề mặt bừa bộn chỉ là phần nổi của vấn đề
Bàn làm việc có vài quyển sách vương vãi không phải là chuyện lớn cho đến khi bạn mở ngăn kéo và phát hiện dây sạc, hóa đơn, giấy vụn chất đống. Khi dọn, hãy nhớ: Dọn sâu bên trong. Vì sự lộn xộn thật sự thường ẩn ở chỗ ta không thấy.
4. Nguyên tắc "Trao đổi công bằng": Không gì miễn phí, kể cả một món đồ mới mua
Một món đồ không chỉ "tốn tiền mua" mà còn tốn công bảo quản, lau chùi, sửa chữa, tìm chỗ cất. Bạn mua một áo len xịn? Nghĩ luôn xem bạn sẽ giặt tay, phơi chỗ nào, xếp ở đâu cho nó không bị xù.
Nếu mọi món đồ đều "đòi hỏi" thêm thời gian và công sức, thì hãy cân nhắc thật kỹ trước khi rút ví.
5. Nguyên tắc "Công dụng hơn hình thức": Đừng mua chỉ vì nó đẹp
Một quyển sách 30 nghìn đồng, bạn mua về chỉ để chưng cho đẹp? Đó là tiêu tiền vào hình thức. Một cái máy ép chậm, chưa dùng lần nào? Lại là hình thức.
Hãy hỏi: Món đồ này có phục vụ mình không? Nếu không, thì giá rẻ hay xịn cũng chẳng để làm gì.
6. Nguyên tắc "Franklin và 5000 giờ": Mỗi món đồ nên có một chỗ về cố định
Theo một nghiên cứu, con người dành trung bình 5.000 giờ đời mình chỉ để đi tìm đồ thất lạc.
Thay vì sống như vậy, tôi bắt đầu tạo "nhà" cho từng món đồ: Kéo ở đây, sạc điện thoại ở kia, tai nghe luôn để đúng vị trí. Nhờ đó, tôi không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giảm bớt cáu bẳn mỗi khi phải lật tung nhà lên tìm một món vặt vãnh.

Ảnh minh họa
7. Nguyên tắc "30 ngày suy nghĩ": Mua chậm lại, bạn sẽ mua ít hơn
Một đôi giày nhìn cực xinh hôm nay, nhưng 5 ngày sau bạn đã quên mất nó rồi. Tôi học cách đặt "khoảng lặng" trước khi mua bất kỳ thứ gì từ 24 giờ đến 30 ngày. Nếu sau thời gian đó, tôi vẫn cần nó, tôi sẽ mua. Nếu quên rồi? Thật may vì chưa kịp tiêu tiền.
8. Nguyên tắc "Không dùng thì cho đi": Đừng để đồ vật làm chật đời bạn
Tôi từng có một cái máy làm sữa hạt, dùng đúng 1 lần. Cuối cùng, tôi đem tặng cho chị hàng xóm. Chị ấy dùng hằng ngày và còn gửi tôi một chai sữa ngô tự làm. Đôi khi, không dùng đến không có nghĩa là đồ vật vô dụng, chỉ là nó không phù hợp với bạn nữa thôi.
Cho đi, để người khác được dùng. Và để chính bạn được nhẹ lòng.
9. Nguyên tắc "Một vào, một ra": Cân bằng lượng đồ sở hữu
Bạn vừa mua một cái váy mới? Hãy chọn một cái cũ để cho đi. Cách này giúp bạn giữ nhà luôn gọn gàng và không rơi vào cảnh "mua thêm tủ mới".
10. Nguyên tắc "5 phút thôi, bắt đầu đi!": Làm là giải pháp, chứ không phải nghĩ mãi
Khi quá nhiều việc chồng chất, tôi học cách chia nhỏ ra. Việc gì cũng chỉ cần bắt đầu 5 phút thôi. Gập quần áo? Làm 5 phút. Viết mail trả lời? Cũng 5 phút. Khi đã bắt tay vào làm, tôi thường đi được xa hơn mình nghĩ rất nhiều.
10 nguyên tắc này không chỉ giúp tôi sống gọn hơn mà còn khiến tôi yêu không gian sống của mình hơn. Tôi tiêu ít tiền hơn, không mua những thứ không cần thiết, và quan trọng nhất: tôi cảm thấy thoải mái hơn với chính mình.
Nếu bạn đang cảm thấy cuộc sống quá bừa bộn, quá áp lực, hãy thử bắt đầu bằng 1 trong 10 nguyên tắc này. Đôi khi, đổi vận và làm mình hạnh phúc hơn đều bắt đầu từ những điều nhỏ bé như vậy.