Bộ phim “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” do anh đóng vai trò sản xuất lẫn đạo diễn vừa ra mắt. Thông điệp mà anh muốn gửi gắm qua bộ phim này là gì?
Thông điệp chính của bộ phim là nói về tầng lớp thanh niên có điều kiện sống trong xã hội. Ngày nay, các bạn trẻ sinh trưởng trong các gia đình có điều kiện có xu hướng sống tương đối ích kỷ, các bạn chỉ nghĩ cho mình, sống cho riêng mình. Các bạn quên mất một điều rằng, những điều mà các bạn đang có, đang được thụ hưởng là thành quả của những tháng ngày lao động vất vả, là sự sự hy sinh, sự chắt chiu … của rất nhiều người lớn trong gia đình. Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ hãy trân trọng những điều mình đang có, hãy thay đổi lối sống của mình. Hãy sống có trách nhiệm hơn và vì mọi người xung hơn vì chính bản thân mình.
Bản thân anh có thấy hài lòng với “đứa con tinh thần” đầu tay của mình?
Trong nghệ thuật luôn luôn có một điều, khi chúng ta xem lại những sản phẩm của mình chúng ta luôn có suy nghĩ “giá như”. Chúng ta thường tặc lưỡi tiếc rẻ, nếu có điều kiện để làm lại chúng ta sẽ làm khác đi. Tôi cũng không ngoại lệ. Khi xem lại sản phẩm của mình tôi có đôi chỗ muốn làm khác đi và làm tốt hơn. Trong nghệ thuật bao giờ cũng có từ giá như nên tạm thời hài lòng với sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, tôi cũng rất háo hức muốn xem phản ứng của báo chí và giới nghệ sĩ khi xem phim. Muốn nhận được những phản hồi của mọi người cho “đứa con tinh thần” đầu tay để tôi còn nhận ra được những cái được và chưa được của mình mà khắc phục hoặc phát huy.
Lo lắng lớn nhất của anh khi bắt tay thực hiện bộ phim này là gì?
Lo lắng lớn nhất của tôi khi bắt tay thực hiện bộ phim “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ” không phải là bộ phim đem lại doanh thu bao nhiêu mà lo lắng lớn nhất là bộ phim có được công chúng đón nhận hay không và đánh giá của những người làm nghề như thế nào. Đó là cái tôi băn khoăn, trăn trở nhất. Đôi khi vấn đề tài chính lại không phải là vấn đề băn khoăn quá nhiều.
Đã từng làm diễn viên trong nhiều bộ phim rồi lần này lại làm đạo diễn. Anh thấy làm đạo diễn khó hơn hay làm diễn viên khó hơn?
Sự khác biệt lớn nhất giữa đạo diễn với diễn viên đó là vai trò và trách nhiệm. Khi làm diễn viên thì trách nhiệm đơn giản hơn, chúng ta chỉ cần hoàn thành tốt vai diễn của mình được giao. Còn khi làm đạo diễn hoặc nhà sản xuất thì khối lượng công việc mình phải quán xuyến lớn hơn rất nhiều và trách nhiệm với đoàn làm phim là vô cùng nặng nề. Thật sự đó là một áp lực và thử thách vô cùng lớn đối với Việt Anh.
Ngoài áp lực về chất lượng của phim thì còn phải đảm bảo sự thành công của phim. Yếu tố thành công ở đây có 2 yếu tố, thứ nhất là yếu tố nghệ thuật và thứ hai là yếu tố thương mại. Thật sự đây là một bài toán vô cùng khó cho bất kỳ nhà sản xuất nào, kể cả những người dày dạn kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng đây là áp lực vô cùng lớn.
Điều gì khiến anh chọn toàn gương mặt trẻ, thậm chí là những người chưa tham gia phim ảnh bao giờ đóng phim này?
Dàn diễn viên do tôi với tư cách là đạo diễn kiêm nhà sản xuất lựa chọn. Ngay từ đầu tôi đã muốn đem đến những sự độc đáo và cái gì đó mới lạ, tôi không muốn đi theo lối mòn. Đó là lí do vì sao tôi chọn Vịnh Hạ Long làm bối cảnh chính của phim. Cái không gian và đạo cụ đời sống, bối cảnh của phim đều là những thứ mới mẻ. Và tôi nghĩ rằng, với những sự mới mẻ đó khi lên phim sẽ tạo được một hiệu ứng và dấu ấn nhất định.
Nhiều người cho rằng, việc anh mời những diễn viên tay ngang như: Bằng Kiều, Mạc Hồng Quân, Bùi Anh Tuấn… tham gia phim là để dựa vào tên tuổi của họ kéo khán giả đến rạp?
Tất nhiên việc tôi mời anh Bằng Kiều, Mạc Hồng Quân, Bùi Anh Tuấn… những người mới chạm ngõ điện ảnh lại không phải diễn viên chuyên nghiệp tham gia phim không nằm ngoài mục đích gây sự chú ý và tạo sự bất ngờ đối với người xem. Tuy nhiên, trước khi quyết định mời những nghệ sĩ này tham gia phim tôi cũng đã rất đắn đo và có tổ chức casting đàng hoàng để xem thử năng lực của họ có đáp ứng được yêu cầu của vai diễn hay không. Và tôi rất hài lòng với khả năng diễn xuất cũng như sự chuyên nghiệp của họ khi hoàn thành tốt vai diễn của họ.
Anh có nghĩ mình hơi mạo hiểm khi mới lần đầu đạo diễn phim nhưng anh lại dám chọn toàn những gương mặt mới, lại là “lính” tay ngang?
Không biết trong lĩnh vực khác thế nào nhưng trong nghệ thuật nếu chúng ta không liều lĩnh, không đột phá, chúng ta chỉ đi theo lối mòn một cách máy móc… thì tất cả những sản phẩm chúng ta tạo ra sẽ rất mờ nhạt. Đôi khi sự đột phá có thể đem đến sự thành công hoặc có thể là sự trả giá. Nhưng tôi nghĩ, dám đối diện với điều đó thì cơ hội thành công và cơ hội tạo dấu ấn sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc chúng ta an toàn.
Anh có thể tiết lộ, trong số những cảnh quay trong phim, cảnh quay nào được đầu tư nhiều nhất và cả công sức và kinh phí?
Khi xem bộ phim này mọi người sẽ thấy rằng, rất nhiều cảnh quay được đầu tư chứ không phải chỉ một vài cảnh. Và gần như là chúng tôi đầu tư cho tất cả các cảnh quay.
Tuy nhiên, cảnh được đầu tư nhiều nhất là những đại cảnh “action” (hành động) và những cảnh quay liên quan đến tàu du lịch. Chi phí để quay cũng như để thuê tàu đạo cụ trong thời gian dài có chi phí tương đối lớn. Cho nên đó là những cảnh quay gây tốn kém nhất về chi phí.
Có sự cố nào xảy ra trong quá trình quay “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”?
Sự cố thì rất nhiều nhưng may mắn là cho đến khi bộ phim đóng máy thì sự cố lớn gây ảnh hưởng đến đoàn phim dường như không có. Điều đó khiến tôi thở phào nhẹ nhõm sau những tháng ngày ròng rã cùng đoàn phim.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long