- Trải nghiệm nào giúp chị hóa thân Phúc - cô gái nổi loạn trong phim?

- Năm lớp 8, tôi từ Thanh Hóa chuyển vào TP HCM, chưa quen với môi trường mới, ba mẹ lại bận công việc nên ít có thời gian dành cho tôi. Vì vậy, tôi có biểu hiện nổi loạn. Tôi cắt tóc, ăn mặc theo phong cách tomboy và chơi với nhiều bạn nam. Tôi quậy lắm, thậm chí từng trốn học. Có lần, tôi rủ nhóm bạn về nhà chơi, tự nấu đồ ăn, mua bia về uống. Tôi bị say, ói khiến ba giận mãi một thời gian dài không nói chuyện.

Sau đó, ba mẹ chú ý đến sự thay đổi của con gái, trò chuyện, quan tâm tới tôi nhiều hơn. Mẹ mua cho tôi rất nhiều váy. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, ba mẹ sơn phòng, cắt giấy dán tủ đồ, thay ga giường... biến cả căn phòng thành màu hồng cho ra dáng con gái (cười). Hôm đó, khi nhìn thấy, tôi sốc nhưng sau đó lại phì cười vì thấy ba mẹ thật đáng yêu. Từ đó, tôi ngoan ngoãn, chăm học trở lại.

trinh-thao-9380-1625623694.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eFQpW_syq8fewCCY_HQDvw

Trịnh Thảo (áo kẻ) bên bố mẹ và em trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Chị đồng cảm với nhân vật ra sao?

- Tôi giống Phúc ở điểm là gia đình không khá giả, phải lao động vất vả để kiếm sống. Tuy nhiên, tôi may mắn hơn Phúc rất nhiều. Trong nhà, mọi người luôn vui vẻ, sẻ chia. Ba tôi ít nói, thường quan tâm con gái từ những điều nhỏ như nấu đồ ăn, chăm sóc sức khỏe. Tôi và mẹ tâm sự với nhau mọi điều, có những bí mật riêng mà không cho ba biết. Còn chuyện trường lớp, bạn bè hay những thú vui của tuổi trẻ, tôi hay thủ thỉ cùng em trai.

Sống giữa đầy đủ tình yêu thương nên lần đầu đọc kịch bản phim, tôi khó chịu, thậm chí ghét Phúc. Tôi nghĩ cô bé không biết thương ba mẹ, đặc biệt là mẹ. Tuy nhiên, trong quá trình quay phim, tôi cảm được nhân vật. Tôi thấy Phúc đáng thương hơn đáng trách.

- Gia đình phản ứng sao về vai diễn của chị?

- Cây táo nở hoa dường như trở thành một phần trong cuộc sống gia đình tôi. Ông bà, người thân ở quê theo dõi phim không sót tập nào. Bà nội ngày nào cũng gọi điện tâm sự với tôi về phim, như: ba Ngọc thế này là không được, thương mẹ Hạnh quá... Bà nói như các nhân vật là người trong nhà tôi vậy. Còn ông nội khi xem cảnh Phúc đánh lộn với bạn lại tưởng tôi bị đánh thật, liền gọi vào hỏi han. Ba mẹ nói tôi hợp vai. Khi đọc bình luận của khán giả, ba mẹ động viên tôi cố gắng ở những phim tiếp theo.

trinh-thao-1-7085-1625623694.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6FHzMW0Aalps3s33bao-kQ

Trịnh Thảo sinh năm 1997 ở Thanh Hóa, hiện sống và làm việc tại TP HCM. Từ cuối những năm học cấp hai, cô thường theo các đoàn phim đóng vai quần chúng, nuôi ước mơ trở thành diễn viên. Thi trượt Đại học Sân khấu Điện ảnh, cô theo học ngành diễn xuất ở trường Điện ảnh Quốc tế Sài Gòn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Đóng phim với dàn nghệ sĩ tên tuổi, chị gặp áp lực thế nào?

- Tôi không có nhiều kinh nghiệm, diễn xuất theo bản năng nhiều hơn là kỹ năng. Vì vậy, nhiều lúc tôi lo lắng làm không tốt. Thời gian quay phim của tôi lại bị ngắt quãng, có khi cảnh trước, cảnh sau cách nhau cả hai tháng. Vì vậy, tôi khó giữ được cảm xúc, raccord tâm lý.

Trên phim trường, tôi may mắn vì được mọi người giúp đỡ, chỉ dạy nhiều điều. Chú Thái Hòa thường hướng dẫn tôi cách diễn, lấy cảm xúc. Cô Hồng Ánh chỉ tôi cách nhấn thoại để rõ lời, tăng biểu cảm nhân vật. Giọng tôi hơi mỏng, những cảnh vừa khóc, vừa nói sẽ rất khó nghe.

Trong cảnh quay ba Ngọc dẫn Phúc vào một quán ăn, mua cho một đống bánh, tôi phải quay đi quay lại gần chục lần. Cảnh đó bắt buộc phải khóc trong khi tính tôi mạnh mẽ, lại gặp áp lực nên càng không thể rơi nước mắt. Khi đó, đạo diễn phân tích tâm lý cho tôi. Chú Thái Hòa thấy tôi không diễn được nên nói với mọi người: "Cho bé Thảo xin thêm một lần nữa đi", xong đến ôm, khuyên tôi thả lỏng tinh thần để diễn. Nhờ vậy, set quay cuối cùng tôi vỡ òa.

- Nhiều diễn viên bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe trong quá trình quay phim, chị thì sao?

- Thời gian quay phim của tôi không dài, lại ngắt quãng nên được nghỉ ngơi nhiều hơn mọi người. Tuy nhiên, khi quay cảnh nhân vật Phúc đòi tự tử, tôi cũng bị ảnh hưởng sức khỏe. Cảnh đó quay từ 6h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Ban đêm sương xuống, nhân vật tâm lý nặng nề, lại phải uống bia nữa nên tôi bị nôn nhiều. Kết thúc cảnh quay, tôi mệt lả người, về phòng không kịp tẩy trang đã mê man đến tận hôm sau mới tỉnh. Vài ngày sau đó, tôi vẫn stress, khó chịu vì nghĩ mình là nhân vật. Tôi phải cố gắng thoát vai để làm việc khác.

trich-doan-nhan-vat-phuc-trong-tap-19-1621419502.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ixvj6ordD5cnrmuY9WRuUw
Trích đoạn nhân vật Phúc trong tập 19

Trích đoạn nhân vật Phúc đòi tự tử trong tập 19. Video: Vie.

- Sau loạt vai nữ sinh, chị mong muốn thử sức ở dạng vai nào?

- Tôi thích được đóng vai phản diện, ác độc, mưu mô. Tôi hiện tham gia phim truyền hình mới của đạo diễn Phan Đăng Di, do dịch nên ngừng quay. Ngoài ra, tôi đóng phim kinh dị Trong màn đêm không chớp mắt của Lê Bình Giang, dài ba tập.

Từ lớp 9, tôi đã muốn làm diễn viên. Không có ai chỉ dẫn, tôi lên Google tìm kiếm thông tin, thấy có một số nhóm tuyển diễn viên quần chúng nên theo dõi và tìm hiểu. Ban đầu, tôi cũng sợ lừa đảo lắm nhưng vẫn kiên trì muốn thử. Tôi đăng ký cả chục lần mới được.

Phim đầu tiên là Mỹ nhân Sài Thành (quay năm 2014, phát năm 2018), có một cảnh đóng cùng chú Lê Bình. Cát-xê lúc đó được 160.000 đồng, tôi lấy một nửa mua vịt quay đãi cả nhà, một nửa tiết kiệm. Tôi biết mình hạn chế về nhan sắc, không có mối quan hệ trong ngành, gia đình không có điều kiện... nên sẽ khó khăn. Tuy nhiên, tôi luôn nỗ lực học tập, tìm kiếm cơ hội. Tôi muốn trở thành diễn viên thực lực, gắn bó lâu dài với nghệ thuật. Tôi luôn ý thức trau dồi kỹ năng diễn xuất, vốn sống, quan sát xung quanh để mang đến cho khán giả những tác phẩm tốt nhất.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022