Nhằm mở ra cơ hội đưa Tuồng tiếp cận đông đảo công chúng, đặc biệt là khán giá trẻ, những năm qua, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ", từng bước rút ngắn khoảng cách với đối tượng khán giả này.
Bạn Vĩnh Phương, trường Khoa học xã hội nhân văn chia sẻ: “Khi xem trích đoạn "Tình mẹ" của các nghệ sĩ tuồng, những phân đoạn hay cái cách nhân vật thể hiện qua từng động tác, giọng điệu, ngữ điệu làm cho mình dâng trào cảm xúc ấy. Thì ra tuồng rất hay, rất cảm xúc, khiến em hiểu hơn về tuồng, hiểu hơn về cái cách người nghệ sĩ tiếp cận với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ".
Còn bạn Lan Anh lại bày tỏ: "Nó khác xa với những suy nghĩ của em, ban đầu em thấy Tuồng khá nhàm chán với các bạn trẻ. Thế nhưng sau khi được trải nghiệm, em cảm thấy nó cũng thú vị".
Có cơ hội được thưởng thức, trải nghiệm và tìm hiểu nghệ thuật Tuồng thông qua một số hoạt động ngoại khoá của trường phối hợp với nhà hát Tuồng Việt Nam, nhiều bạn trẻ đang theo học tại Hà Nội dần yêu thích môn nghệ này lúc nào không hay. Kết hợp, quảng bá nghệ thuật Tuồng tại một số trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô là một trong những nội dung của chương trình "Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ” mà Nhà hát Tuồng triển khai những năm gần đây, nhằm đưa nghệ thuật Tuồng gần hơn với thế hệ trẻ.
Ông Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến việc chọn đối tượng, đối tượng cấp tiểu học thì chúng tôi giới thiệu chương trình Thạch sanh, Thánh gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Trần Quốc Toản... Chương trình cấp 2 cấp 3, chúng tôi gắn với chương trình học văn học và lịch sử giới thiệu các tác phẩm văn học, các nhân vật lịch sử. Còn cáx chương trình cao đẳng, đại học và trẻ nói chung, chúng tôi giới thiệu tất cả các đặc sắc của nghệ thuật tuồng và đã mang lại hiệu quả rất tốt.
Các trường thấy chương trình có hiệu quả và tác dụng. Chúng tôi tóm lại là các chương trình không nhất thiết phải diễn nhiều nhưng phải giới thiệu được nhiều, diễn các trích đoạn làn điệu bài bản để giới thiệu các đặc trưng nghệ thuật tuồng, tạo cho khán giả nhận thức được cái nét cơ bản để tiếp cận, hiểu được nghệ thuật tuồng".
Là người yêu thích các buổi biểu diễn của các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam tại số 64 phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm vào mỗi cuối tuần, bạn Vũ Thuỳ Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết, từ thích thú các động tác biểu diễn đến kỹ thuật hoá trang của các nghệ sỹ, bạn đã tìm hiểu và say mê môn nghệ thuật truyền thống này.
Từ đó, Thuỳ Linh cùng một số bạn sinh viên cùng khoa đã ấp ủ và thực hiện dự án “Tuồng kể” kết hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhằm giúp các bạn trẻ hiểu hơn về môn nghệ thuật bác học này.
Bạn Thùy Linh chia sẻ: “Trước hết, văn hóa tuồng trong mắt người trẻ rất là xa lạ. Nó không phải là một loại hình nghệ thuật dễ xem như âm nhạc hiện đại ngày nay. Tuy nhiên trong tưồng chứa đựng những giá trị về truyền thống, về lịch sử. Bởi vậy chúng em muốn tổ chức một sự kiện phi lợi nhuận, để có thể giới thiệu về bộ môn này nhiều hơn đến giới trẻ và xa hơn là có thể khơi dậy sự hứng thú và sự yêu thích, cũng như sự quan tâm của giới trẻ đối với việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc".
Trích đoạn vở tuồng “Tình mẹ”
Tại sự kiện, các trích đoạn của hai vở diễn kinh điển là “An Tư công chúa” và “Tình mẹ” đã được các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam tái hiện để khán giả thấy được những nét đặc trưng của tuồng truyền thống và Tuồng hiện đại. Chương trình không những thu hút khán giả trẻ bởi các màn trình diễn chuyên nghiệp, hấp dẫn mà còn mang đến nhiều sự tương tác thú vị khi các nghệ sỹ trực tiếp hướng dẫn khán giả thực hiện một số động tác cơ bản. Nhiều bạn trẻ sau khi xem xong hai vở diễn chia sẻ:
- “Em thấy rất may mắn khi là một trong số những người vừa được thưởng thức vừa được thực hành, em được tập các động tác khoa trương và tượng trưng, được biết vài số kiến thức trong tuồng".
- “Đối với mình thì việc được lên sân khấu trải nghiệm các động tác tuồng là điều rất đáng quý. Bởi vì rất ít cơ hội để được trải nghiệm tuồng. Theo mình thì Nhà hát tuồng nên có thêm nhiều các show diễn hơn nữa, vừa quảng bá tốt các châu hiện có, đồng thời mở thêm nhiều show nữa để nhiều người có thể tiếp cận với nghệ thuật tuồng".
Theo NSƯT Lộc Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam, để giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật tuồng thì một trong những giải pháp bền vững nhất là tiếp cận với khán giả trẻ, từ biết đến hiểu rồi sẽ yêu. Và để làm được điều này, các nghệ sỹ nhà hát tuồng Việt Nam luôn tìm tòi, sáng tạo xây dựng các vở tuồng phù hợp với khán giả trẻ.
“Với một tâm niệm, khi đã theo đuổi tuồng, trách nhiệm trên vai mình là phải bảo tồn, gìn giữ và phát triển đó. Chính vì nhận thức được điều đó, lớp trẻ chúng tôi dưới sự lãnh đạo các đồng chí lãnh đạo, chúng tôi có chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng tới khán giả trẻ, khai thác những thành tích tuồng, những câu chuyện dân gian, lịch sử gần gũi trong các bài giảng của học sinh sinh viên để biến thành trích đoạn và chúng tôi đang luyện tập những trích đoạn đó để giới thiệu các trường" - NSƯT Lộc Huyền cho biết.
Đã và đang có những tín hiệu tích cực của những người trẻ trong việc tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên viên nội dung, Trung tâm xúc tiến và quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam, nghệ thuật tuồng cần được trình diễn trên nhiều sân khấu khác nhau, xây dựng các tích tuồng phù hợp với từng sân khấu biểu diễn và co lịch trình biểu diễn đều đặn để không những tiếp cận mà còn thấm sâu trong nhận thức của khán giả trẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: “Tính chất quan trọng là làm thế nào để các dạng sân khấu hiện đại có thể tương thích với các loại hình này. Với nghệ thuật tuồng thì mình thấy chúng ta sẽ có rất nhiều không gian khác nhau và không gian sân khấu Nhà hát tuồng Việt Nam là một trong những điển hình nhất.
Từ đây, mình nghĩ mọi người có thể mạnh dạn làm thêm các dạng sân khấu khác. Ví dụ như những không gian văn hóa sáng tạo hay là mình sẽ có các nội dung tuồng trong chương trình giáo dục thì sân khấu của nó là giảng đường, như vậy đất diễn tuồng sẽ dày dặn hơn".
Theo đó, nhiều chuyên gia văn hoá cũng cho rằng, nhà hát Tuồng Việt Nam cần đẩy mạnh kết hợp với ngành giáo dục để nghệ thuật tuồng có thể thuận lợi tiếp cận công chúng trẻ ở các cơ sở giáo dục. Đào tạo khán giả tương lai một cách khoa học, bài bản, cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật tuồng nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung một cách hiệu quả, bền vững nhất.