Ngày 15/8, tại chương trình "Tay phải tay trái", diễn viên Mạc Văn Khoa đã tâm sự về chặng đường đến với nghề đầy khó khăn của mình. Anh kể: "Trước đây, tôi nhút nhát lắm vì ngoại hình không đẹp, từ khi đi học đã thu mình lại, ngại đám đông và tự ti. Tôi ít được đi lên thành phố, chỉ ở quanh làng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn hơi rụt rè.

Tôi bắt đầu đến với nghề diễn từ năm lớp 8. Lúc đó, thầy giáo kêu tôi đi diễn kịch cho lớp, vào vai lính của Sơn Tinh, được nói đúng một câu. Ai ngờ tôi nói một câu xong, mọi người bên dưới lại bật cười. Tôi thấy thế cũng thích, suốt lúc đạp xe về nhà cứ nghĩ về khoảnh khắc đó.

photo-2-16921526668081400776645.png

Mạc Văn Khoa tại chương trình

Thế là tôi bắt đầu siêng tham gia văn nghệ, tự mình nghĩ kịch bản, lời thoại để diễn, càng ngày càng đam mê. Thầy cô, bạn bè cũng khuyên tôi theo nghề diễn.

Học hết lớp 12, tôi đăng ký thi trường Sân khấu Điện ảnh để theo đuổi đam mê nhưng bị đánh trượt, không vào nổi vòng trong. Lúc đó tôi đen, xấu, nói ngọng, lại diễn bản năng nên không đạt tiêu chuẩn.

Tôi buồn lắm, lại xấu hổ với hàng xóm, ảnh hưởng tới thể diện của bố mẹ. Bị đánh trượt như thế, tôi chán nản, xin đi làm công nhân giày da.

Được 3 tháng thì tôi vào Nha Trang chơi, được một người chị giới thiệu thi vào trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nha Trang và bất ngờ đậu, dư đến mười mấy điểm.

Học hết 3 năm, tôi cầm cái bằng trên tay mà không biết phải đi đâu, làm gì để kiếm tiền. Tôi cũng không dám về Bắc nên quyết định vào Sài Gòn nhưng không có quan hệ để xin đi diễn, vai quần chúng cũng không được.

Đúng lúc tôi định bỏ về quê để đi xuất khẩu lao động thì chương trình "Cười xuyên Việt" diễn ra. Tôi lập tức đăng ký thi và được mọi người biết đến rộng rãi".

Tiếp đó, Mạc Văn Khoa chia sẻ về công việc kinh doanh bún đậu hiện tại: "Ban đầu, tôi không nghĩ sẽ bán bún đậu. Tôi có 2 người cháu ở Hải Dương vào Sài Gòn đi học rồi làm bếp, nhưng được vài tháng thì muốn về quê vì không tìm được việc.

photo-1-1692152665960882344339.jpeg

Lúc đi ăn chia tay, nhìn 2 đứa cháu mà tôi thấy tội quá. Tôi cũng từng chịu cảnh xa nhà lập nghiệp nên hiểu cảm giác của chúng, đã mất công vào lập nghiệp mà lại về thì không đành. Tôi liền bảo chúng nghĩ xem có món gì ngoài Bắc ngon ngon thì mở bán trong Sài Gòn. Thế là chú cháu tôi mở quán bún đậu.

Khó khăn đầu tiên của tôi khi mở quán là tìm mối hàng. Muốn giữ được khách thì chất lượng đồ ăn phải tốt, không thể dựa vào danh tiếng của mình được. Khán giả có yêu quý tôi thì cũng chỉ tới ủng hộ vài ngày đầu, không thể vì tôi mà ăn suốt được, quan trọng vẫn là chất lượng.

Tôi phải đi khắp nơi để tìm nguồn hàng. Riêng mắm tôm, tôi phải đi tới mấy chục cơ sở sản xuất nếm thử, về nhà chát hết mồm suốt mấy ngày trời, ăn không nổi.

Quán đầu tiên tôi mở không có khách, sau khi đăng lên mạng xã hội thì mọi người mới tới đông, ngay hôm sau đã hết sạch hàng. Mấy hôm sau, tôi không dám mở cửa vì sợ khán giả ùa vào đông quá, phục vụ không kịp. Tới khi đã chuẩn bị sẵn sàng, rút kinh nghiệm hết mọi thứ, tôi mới dám mở cửa lại. Tuy là chủ nhưng tôi vẫn tự tay vào phụ bếp rồi chạy đi chạy lại, không nghỉ lúc nào.

Khó khăn lớn nhất khi kinh doanh là quản lý nhân viên. Kinh doanh càng lớn, nhân viên càng đông càng khó quản lý. Nhiều khi nhân viên làm lành nghề rồi lại bỏ ngang, rồi xin nghỉ đột xuất. Hay lúc buôn bán, nhân viên không may mắc lỗi thì khách lại trách tôi, mà tôi cũng thương nhân viên nên không nỡ đuổi".

Trước tin đồn một ngày bán bún đậu được 2 tỷ, Mạc Văn Khoa thanh minh: "Tôi phải bán 30 ngàn suất bún đậu mới được 2 tỷ cả vốn cả lãi, nên không thể có chuyện bán 2 tỷ một ngày. Chắc hôm đó tôi tham gia gameshow, ngồi nói vui, đùa giỡn với anh chị em nghệ sĩ nên thành ra như vậy. Tôi phải bán hột xoàn, kim cương thì may ra được thế".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022