Ngày 25/5, đại diện ban tổ chức cho biết Đới Tư Kiệt nhận lời tham gia liên hoan phim với vị trí chủ tịch ban giám khảo hạng mục quan trọng nhất - Phim châu Á dự thi.

1254149-1716618472-1716618480-5455-1716619092.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bN4oxEYO8Wi59QbVkHqmbQ

Đạo diễn Đới Tư Kiệt. Ảnh: Flammarion

Đới Tư Kiệt, 70 tuổi, nhận học bổng sang Pháp du học từ năm 1984. Tại đây ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Năm 1997, ông cho ra đời ba tiểu thuyết được đánh giá cao, gồm Balzac và cô thợ may Trung Hoa, Mặc cảm của Đ, Vào một đêm không trăng. Trong đó, Balzac và cô thợ may Trung Hoa được dịch sang 32 thứ tiếng, trở thành sách best-seller và đoạt năm giải thưởng văn học. Năm 2022, ông được Bộ Văn hóa Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ về văn học nghệ thuật.

Về điện ảnh, năm 1989, Đới Tư Kiệt ra mắt phim đầu tay China My Sorrow, lấy bối cảnh Cách mạng văn hóa năm 1966. The Eleventh Child (tên tiếng Việt là Người thừa, 1998) - có sự tham gia của nghệ sĩ Minh Châu - lấy bối cảnh Việt Nam.

Đỉnh cao sự nghiệp của ông là phim chuyển thể từ tiểu thuyết Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa, ra mắt năm 2002. Dự án có sự tham gia của những tên tuổi điện ảnh như Châu Tấn, Lưu Diệp và Trần Khôn, lấy bối cảnh thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, ở khu biệt lập trong vùng núi Phụng Hoàng. Hai chàng trai từ thị thành về nông thôn để thực thi công cuộc tự cải tạo. Ở đây, họ gặp "cô bé thợ may Trung Hoa" của đời mình, nếm trải tuổi thanh xuân với đủ dư vị. Tác phẩm công chiếu lần đầu ở Liên hoan phim Cannes, tranh giải hạng mục Un Certain Regard. Bộ phim gặp nhiều luồng ý kiến, trong đó các nhà phê bình Trung Quốc cho rằng không thể có một cô bé nông dân chưa hề học hành lại có thể tiếp nhận nhanh những giá trị văn hóa phương Tây. Mặt khác, Guardian nhận xét phim có diễn biến lôi cuốn cùng diễn xuất ấn tượng, tạo sự đồng cảm cho người xem.

Balzac và cô thợ may Trung Hoa nhận nhiều đề cử, như Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất giải Quả Cầu Vàng, Kịch bản chuyển thể hay nhất Liên hoan phim Kim Mã 2003, Phim châu Á xuất sắc Giải thưởng Điện ảnh Hong Kong 2004.

image-w1280-jpg-1716618626-9573-1716619093.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kYg-gFeAKrnhq0edPV4eiA

Châu Tấn (giữa) trong phim "Balzac và cô thợ may Trung Hoa". Ảnh: Empire Pictures

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ hai tổ chức ngày 2 đến 6/7, có chủ đề Nhịp cầu châu Á, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế. Người sáng lập - nguyên Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan - cho biết kỳ vọng tạo sự gắn kết giữa Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Hai hạng mục chính gồm Phim châu Á và Phim Việt Nam, mỗi mục gồm sáu giải thưởng, cao nhất trị giá 115 triệu đồng. Các sự kiện bên lề gồm phần Điện ảnh Việt Nam hôm nay - giới thiệu tác phẩm được tuyển chọn hoặc mới sản xuất, chương trình phim chọn lọc của đạo diễn Đặng Nhật Minh, hội thảo Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam, tọa đàm Phong cách sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh, giới thiệu phim của khách mời quốc tế. Ngoài ra, còn có gala giao lưu nghệ sĩ với khán giả, workshop Ươm mầm tài năng cho diễn viên trẻ.

Sự kiện do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng các sở ngành tổ chức.

Năm ngoái, liên hoan diễn ra từ ngày 9 đến 13/5, quy tụ nhiều nghệ sĩ trong nước lẫn khu vực. Tác phẩm tài liệu Những đứa trẻ trong sương (đạo diễn Hà Lệ Diễm) được vinh danh Phim châu Á hay nhất. Nhà bà Nữ và Trấn Thành lần lượt thắng hạng mục Phim Việt Nam hay nhất và Đạo diễn xuất sắc. Đêm tối rực rỡ (đạo diễn Aaron Toronto) bội thu giải thưởng tại liên hoan phim với bốn chiếc cúp.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022