Bởi thế, kỳ vọng với gói hỗ trợ lần 2 không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh mà còn phải đủ nhanh để hồi sức cho nền kinh tế sau làn sóng Covid-19 thứ 2.
Mới đây, Thủ tướng có công văn yêu cầu các bộ, ngành trình phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 lần 2, để phục vụ kịp thời cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động (NLĐ), người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Ước tính sơ bộ khả năng thực hiện gói hỗ trợ lần 2 khoảng 70.000 - 90.000 tỉ đồng, thời gian hỗ trợ từ tháng 9 - 12.2020.
5b5155135dcong_nhan_may_10__1__zmby.jpg

Ước tính có 100.000 người lao động được hỗ trợ theo đề xuất gói hỗ trợ lần 2

Ảnh: Ngọc Thắng

Hỗ trợ 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh

Theo công văn gửi Bộ KH-ĐT đề xuất gói hỗ trợ lần 2 do dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị tập trung các chính sách hỗ trợ đối với DN và phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cho các đối tượng là DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh (ưu tiên DN nhỏ và siêu nhỏ dưới 10 lao động), cơ sở sản xuất, kinh doanh; NLĐ tại khu vực nông thôn được vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa là 2 tỉ đồng, đối với NLĐ là 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1.9.2020 - 1.9.2021. Bộ
LĐ-TB-XH ước tính hỗ trợ cho 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh và 100.000 lao động, kinh phí khoảng 15.000 tỉ đồng.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho rằng đối tượng này rất “đúng và trúng”. “Đối tượng này lên tới 5 triệu hộ, lại là nơi giải quyết rất nhiều lao động, nhất là cả cho khu vực nông thôn, nếu giải quyết tốt thì dễ lan tỏa và hạn chế được các vấn đề xã hội khác nên tôi cho chủ trương là rất tốt. Vấn đề là hỗ trợ thì phải cần ngay, nhưng để xác định đủ điều kiện được hưởng thì tôi e không dễ”, ông Thân bày tỏ.
untitled-11_qlrh.jpg

Đồ họa: Hồng Sơn

Từ thực tiễn gói hỗ trợ lần 1 lên đến 62.000 tỉ đồng nhưng hiện mới có 17.500 tỉ đồng được giải ngân, lại chủ yếu là phần ngân sách T.Ư, cho thấy rất nhiều hạn chế.
“Qua tiếp xúc với các địa phương, tôi thấy người được nhận tiền chủ yếu mới là đối tượng chính sách như người có công, hộ nghèo - tức là những nhóm mà địa phương đã có danh sách sẵn từ trước. Còn đối tượng rất cần, rất bị ảnh hưởng như lao động tự do, thì người có đó nhưng xác định đủ điều kiện, để nhận tiền là không dễ, không rõ ràng, khiến cán bộ dưới cơ sở không dám phát tiền ra, vì lo ngại lỡ sau này không đúng đối tượng thì phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, nhiều người, cả chủ sử dụng lao động, dù rất cần tiền nhưng vì điều kiện tiếp cận khó nên đâm nản”, ông Thân phân tích và khuyến nghị phải nới điều kiện xác nhận đối tượng cũng như làm sao để ở dưới cơ sở khi tổ chức thực hiện thì được dễ, tránh đặt cán bộ thực thi đứng trước nhiều rủi ro lao lý, kiện tụng để tiền sớm đến tay đối tượng thụ hưởng.

Phải thực chất, đến tay người lao động

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất với NLĐ đang phải đi thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương có hoàn cảnh khó khăn sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi) ở mức 1 triệu đồng/người (hộ)/tháng và (hoặc) 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, áp dụng từ tháng 9 - 12.2020, kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỉ đồng.
Chị N.T.H, phụ trách nhân sự một công ty du lịch tại Hà Nội, băn khoăn: “Công ty chúng tôi đã cố gắng cầm cự giữ chân NLĐ vượt qua dịch bệnh, nhưng tới đây rất có thể chúng tôi phải nghỉ việc không lương chờ qua dịch bệnh. Nếu theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, rất nhiều cán bộ, nhân viên của công ty không được hưởng, trong khi họ vẫn phải nuôi bố mẹ già ốm đau, bệnh tật khó khăn không kém nuôi con nhỏ. Vì vậy, chính sách nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ những NLĐ bị mất việc ở những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh”.
Chị Lê Thu Hồng, công nhân tại một DN may mặc ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), thì tâm tư: “Tôi đang có bầu tháng thứ 6, công ty ít việc nên tôi thuộc đối tượng “ưu tiên” cho nghỉ không lương. Chồng tôi làm lao động tự do đợt này nghỉ ở nhà suốt. Tiền nhà, tiền ăn phải chạy lo từng bữa, vài tháng nữa tôi mới sinh con thì có nằm trong diện được hưởng hỗ trợ của nhà nước hay không?”.
Theo ông Lê Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, đề xuất gói hỗ trợ lần 2 nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn, hỗ trợ tức thì cho NLĐ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giúp DN phục hồi sản xuất. Khi DN có sức khỏe mới tạo ra nhiều công ăn việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, theo ông Dân, gói hỗ trợ lần 1, trong đó có chính sách lãi suất 0%/năm dành cho DN vay để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc do ảnh hưởng của Covid-19, đến nay hầu như DN chưa tiếp cận được do các quy định đưa ra quá ngặt nghèo. Vì vậy, ở gói hỗ trợ lần 2, cơ quan soạn thảo chính sách cần đưa ra các tiêu chí, điều kiện rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, ông Dân cho rằng đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch Covid-19 tái bùng phát là NLĐ có hợp đồng lao động trong các ngành du lịch, hàng không, dịch vụ, may mặc, da giày… Bên cạnh đó là những người làm việc trong các lĩnh vực bị cấm, tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh như: nhân viên bưng bê làm việc trong các quán ăn, bảo vệ… Giải pháp hỗ trợ NLĐ bị mất việc có hoàn cảnh khó khăn, đang phải nuôi con nhỏ bằng tiền mặt chỉ là giải pháp tức thời trước mắt, Bộ LĐ-TB-XH cần đưa ra những kịch bản dài hơi hơn nữa.

“Đừng để chính sách nằm trên giấy”

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Bộ LĐ-TB-XH cần thống kê, đánh giá lại tác động của dịch bệnh để có cái nhìn tổng thể, xem xét mức độ ảnh hưởng đến DN và NLĐ như thế nào, từ đó đưa lên bàn cân xem lĩnh vực nào, ngành nghề nào bị thiệt hại nặng nề nhất để đưa ra các phương án, dự báo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đừng để chính sách chỉ nằm trên giấy, không thiết thực với DN và NLĐ”.
Đồng tình với đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc có gói hỗ trợ lần 2 để giúp DN và NLĐ, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN, chia sẻ: “Về đối tượng hỗ trợ thì quan điểm của Tổng liên đoàn Lao động VN là thêm được đối tượng nào thì tốt đối tượng đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm ở gói hỗ trợ lần trước, tuyên bố thì có vẻ nhiều người được hưởng, nhưng khi đi vào chính sách cụ thể thì không được bao nhiêu người, gây ra sự thất vọng lớn cho NLĐ, và quan trọng là người thật sự khó khăn cũng chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ”.
Theo bà Ngân, Bộ LĐ-TB-XH lựa chọn đối tượng NLĐ mất việc phải thuê nhà hoặc con nhỏ dưới 6 tuổi được hỗ trợ là rất sát với thực tế, vì đây là đối tượng sẽ gặp khó khăn nếu như bị mất việc hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Tuy nhiên, các thủ tục để chứng minh việc mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, phải thuê nhà, hoặc chứng minh việc nuôi con nhỏ cần đơn giản thủ tục nhất có thể. Vì nguồn kinh phí đề xuất là từ ngân sách địa phương, nên ngoài 2 đối tượng phải thuê nhà và nuôi con nhỏ, thì nên cho chính quyền địa phương đó quyết định đối tượng khó khăn nhất để hỗ trợ tùy theo nguồn lực của địa phương.
“Ví dụ, TP.HCM nhiều người bán vé số, xe ôm thì cần hỗ trợ cho đối tượng này. Vì nếu không, sẽ có người nói là ngân sách địa phương lại hỗ trợ cho lao động ngoại tỉnh (người phải thuê nhà), còn người dân địa phương lại không được hưởng thì cũng sẽ thành bất cập. Đã là chính sách hỗ trợ cần làm thực chất, xuất phát từ thực tiễn chứ không phải rập khuôn tỉnh nào cũng giống tỉnh nào được. Đừng nói gói hỗ trợ bao nhiêu ngàn tỉ, hãy nói gói hỗ trợ cho những NLĐ thật sự cần”, bà Ngân nêu ý kiến.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022