Thói quen đó có từ bốn tháng nay kể từ khi bé Võ Phạm Khánh Ngọc, con gái cô được chẩn đoán mắc ung thư máu.
Chị Phạm Gia Yến, 23 tuổi, quê ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định có bé Ngọc là con gái đầu lòng vào năm 2021. Cùng năm, chồng Yến vướng vào vụ ẩu đả gây chết người nên nhận án tù.
Bố mẹ Yến đã ly hôn, cô nén nỗi đau sinh con ở nhà chồng và nhờ bà nội trông cháu. Sau tháng ở cữ, Yến đi làm thợ trang điểm ở TP Quy Nhơn, cách nhà 60 km với thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng một tháng.
Hè 2023, bà nội bé Ngọc quan sát thấy cháu luôn sốt vào mỗi buổi chiều, trán nóng kèm triệu chứng táo bón. Những triệu chứng bệnh thông thường nhưng linh cảm của người mẹ khiến Yến lo lắng đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định khám tổng quát.
Sau đợt xét nghiệm máu và siêu âm bụng của con, Yến cầm trên tay giấy kết quả chẩn đoán con mắc ung thư máu, bạch cầu cấp dòng lympho B nguy cơ cao. Cô suýt ngất xỉu trước cửa phòng bệnh. "Hai bên nội ngoại chưa có ai mắc căn bệnh tương tự", Yến nói. "Con bé còn quá nhỏ để có thể chịu đựng nỗi đau này".
Cô thức trắng nhiều đêm sau khi biết con mắc ung thư. Không có chỗ dựa, Yến khóc và tự trấn an mình "còn nước còn tát". Buổi chiều tháng 8, Yến gom hết tiền tích lũy của mình được 10 triệu, gia đình cho thêm 7 triệu, cô đón xe lần đầu vào TP HCM chữa bệnh cho con.
Phạm Gia Yến và con gái Khánh Ngọc ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, tháng 12/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp
Mẹ chồng chỉ theo Yến vào chăm cháu vài tuần đầu. Mẹ con Yến sống trong Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM. Theo phác đồ, bé Ngọc hóa trị toa đầu vào tháng 8, Yến dồn hết tiền đóng viện phí.
Cô tiết kiệm chi phí bằng cách ăn cơm từ thiện ngày ba bữa. Thi thoảng có đoàn từ thiện ghé ngang cho mẹ con cô 100.000-200.000 đồng. Một điều dưỡng bệnh viện thương mẹ con đơn chiếc đã dành tặng một triệu đồng, Yến dành dụm làm chi phí mua bỉm, sữa cho con.
Điều Yến sợ nhất là các đợt truyền hóa chất. Mỗi lần nhìn thấy cánh tay bé xíu của Ngọc chi chít những vết tiêm lấy ven truyền dịch, cô nói mình đau đớn "không thở nổi". Ngày vào hóa chất, em bé bỏ ăn, mất ngủ, uể oải và quấy nhiều hơn.
Cô động viên con cố gắng há miệng uống thuốc sẽ được về nhà, bé Ngọc ngoan ngoãn làm theo. "Con bé rất hiểu chuyện, nó sợ ở trong bệnh viện lâu mẹ sẽ cực", Yến kể. "Bé khao khát được về nhà và sống bình thường như các bạn".
Bé Võ Phạm Khánh Ngọc ở Khoa ung bướu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, tháng 12/2023. Ảnh Nhân vật cung cấp
Cuộc sống của bé Ngọc gần như bó hẹp trong bốn bức tường, làm bạn với mẹ và ba bạn nhỏ đầu trọc giống bé, cũng đang điều trị ung thư. Bệnh viện có khuôn viên vui chơi dưới sân và lớp học thiện nguyện dành cho các bệnh nhi, ngay cạnh phòng bệnh của Ngọc.
Tuy nhiên, bé Ngọc không thể tham gia vì nguy cơ nhiễm trùng. Yến thường bế con cho bé nhìn vào lớp học qua cánh cửa kính. Những lúc như thế, cô cố xoay người để con không thấy mình khóc. Bởi nếu không mắc bệnh, qua Tết 2024, Ngọc sẽ được đến trường mẫu giáo như bạn bè cùng trang lứa.
Ngọc không biết căn bệnh mình đang mang nhưng con nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Có lần, Yến để con ngủ trên giường bệnh chạy đi mua thức ăn, giặt quần áo. Cô về đến Ngọc đã thức, con bé khóc nức nở nói: "Mẹ đừng bỏ con, con sợ mẹ đi mất".
Người mẹ trẻ nói những lời trên khiến cô như "đứt ruột đứt gan" vì thương con. Nhìn phác đồ điều trị và tiền viện phí sắp tới, Yến nói mình chưa biết phải xoay sở thế nào nhưng cô không thể bỏ cuộc.
Tối 8/12, bé Ngọc sốt cao nên đòi mẹ cho ngủ sớm. Gia Yến ôm con gái vào lòng, áp má bé vào lồng ngực mình, cảm nhận từng hơi thở.
"Từ khi con bệnh, mọi ước mơ cuộc đời tôi đều có thể gác lại, chỉ cần con bé được bình an", Yến nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Hiện chương trình nhận được sự ủng hộ của Câu lạc bộ thiện nguyện Ấm tình yêu thương.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây
Ngọc Ngân