Người phụ nữ 40 tuổi ở Hà Nội thừa nhận đã có lúc muốn "làm um lên cho tan nát hết" nhưng không đủ dũng khí. "Tôi còn hai đứa con, còn cha mẹ già và sợ sự phán xét của người đời", chị nói.

Chồng chị là trai thành phố, theo đuổi hơn ba năm mới chiếm được tình cảm của chị, một cô gái tỉnh lẻ. Mối tình trở thành niềm tự hào cả quãng thanh xuân của chị. Hồi mới cưới, chị hay kể trên mạng xã hội, với bạn bè, người thân về tình yêu anh dành cho mình.

Mỗi lần chồng tặng quà hay nói lời yêu thương, chị đều chụp đăng lên mạng xã hội. Ra ngoài, anh xách túi cho vợ, chăm lo từng chút. Đi đến đâu họ cũng được ngưỡng mộ. Hai con một trai, một gái chào đời càng củng cố thêm niềm tin vào hôn nhân của Thu Cúc.

Nhưng 10 năm trước, chị phát hiện chồng ngoại tình. Anh nói đã hết yêu vợ nhưng không muốn ly hôn vì sợ ảnh hưởng sự nghiệp. Chị Cúc cũng không muốn đánh mất gia đình nên níu kéo, tìm đủ mọi cách để tách chồng khỏi kẻ thứ ba nhưng không được. Cả hai đành chịu đựng nhau, vào vai vợ chồng hạnh phúc để che đậy những nỗi lo riêng.

z5541027923744-2b8299c9ae982e7-9265-5600-1719505022.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NlXMmwguGMK1JqNi_emn2g

Chị Thu Cúc trong một quán cafe ở Hà Nội, năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Minh Hùng, 39 tuổi, đang là lãnh đạo một xã, thường xuyên đăng ảnh gia đình đi ăn, đi du lịch lên mạng xã hội kèm những lời có cánh cho vợ. Phát biểu trong các buổi họp của Hội phụ nữ hay dịp 8/3, anh vẫn thường kể về những điều tốt đẹp mình làm cho vợ, khuyên cánh mày râu nên yêu thương, tôn vinh phụ nữ thế nào.

Nhưng chỉ hàng xóm cạnh nhà mới biết tháng đôi lần, hễ không ưng việc gì, anh đánh vợ bầm tím mặt. "Mỗi lần như vậy tôi phải xin nghỉ vì ốm để lành vết bầm hoặc lấy lý do ngã xe để bao biện cho hành động của chồng", chị Hồng Hạnh, một nhân viên văn phòng, nói.

Kể về chồng với người xung quanh, Hồng Hạnh vẫn dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất, tỏ ra hạnh phúc khi sống cùng anh. Con gái 10 tuổi nhiều lần giục chị ly hôn, "đừng diễn nữa", nhưng chị không đủ dũng khí. "Tôi nhịn nhục vì không muốn mọi người đàm tiếu", chị nói.

"Sống đau khổ dưới vỏ bọc hạnh phúc" là câu chuyện không chỉ riêng gia đình anh Minh Hùng hay chị Thu Cúc. Một kết quả khảo sát của viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) cho thấy đa số người tham gia khảo sát giữ quan điểm truyền thống, cho rằng gia đình phải có bố mẹ và con. Vì điều này, nhiều người cố duy trì "vỏ gia đình" trong khi những giá trị "ruột" của nó như tình yêu thương và sự tôn trọng hầu như biến mất.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn hôn nhân và gia đình cho biết, lý do các cặp vợ chồng chấp nhận "diễn" vai hạnh phúc dù hôn nhân mục rỗng bởi sĩ diện, sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp, sợ tài sản bị phân tán hoặc lo con cái, bố mẹ buồn phiền.

Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP HCM, không chỉ trong hôn nhân, người ta sống giả tạo, tạo vỏ bọc trong nhiều thứ khác bởi quan niệm "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại". Ngoài những lý do kể trên, nhiều người giống như chị Thu Cúc, vốn trước nay đã thể hiện một hình ảnh vợ chồng hạnh phúc nên khi bất hạnh ập đến sẽ không muốn nói ra. Thậm chí, họ cố tô vẽ cho nó long lanh hơn cả trước đây.

''Sâu xa trong việc cố tỏ ra hạnh phúc là sự bất an và tự ti'', bà Thúy nói. Những người tự tin với con người thật của mình thường thoải mái bày tỏ cảm xúc, nhưng người tự ti thấy không bằng ai nên cố gồng, khoe mẽ lên để chứng tỏ mình ổn. ''Trong sâu thẳm, họ là những người đáng thương'', bà Thúy cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Northwestern (Mỹ) củng cố quan điểm của bà Thúy, khi khảo sát 108 cặp đôi. Trong hai tuần, những người tham gia được yêu cầu ghi lại mức độ cảm thấy an toàn trong tình yêu mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu nhận thấy họ đăng nhiều ảnh tình cảm với người yêu hơn vào những ngày họ cảm thấy bất an. Theo báo cáo, càng bất an thì họ lại càng muốn chứng minh rằng mối quan hệ vẫn ổn.

Các chuyên gia đều cho rằng phải gồng lên cho vừa vặn với ''vai diễn'' vợ chồng hạnh phúc khiến các cặp đôi rơi vào đau khổ, mệt mỏi vì không được là chính mình. Họ có thể mất năng lượng, mất kết nối với bản thân và day dứt vì sống hai mặt.

Chị Hồng Hạnh cho biết, luôn có cảm giác khinh bỉ mỗi khi chồng tỏ ra chăm sóc, yêu thương mình hay khuyên người khác về cách yêu chiều vợ. "Tôi cũng căm ghét chính mình vì hợp tác với anh ta trên sân khấu giả tạo đó'', chị nói.

Sự khinh bỉ càng khiến mối quan hệ của vợ chồng chị tệ hơn. Hồng Hạnh thường nói những lời như đâm dao vào chồng khi chỉ có hai người. Đương nhiên, anh trút lên chị nhiều trận đòn hơn.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, dù giỏi chịu đựng cỡ nào, đến một lúc, sự thật về mối quan hệ cũng bị phơi bày. Khi đó, con cái của cặp vợ chồng và những người thân sẽ bị sốc, tổn thương về tâm lý. Những góc khuất trong mối quan hệ bị lộ ra, những người như chồng chị Thu Cúc hay Hồng Hạnh sẽ không chỉ đối mặt với dư luận mà có thể mất uy tín, công danh sự nghiệp.

Thay vì gồng lên để diễn vai hạnh phúc với người ngoài, các chuyên gia khuyên vợ chồng nên ngồi lại với nhau, tìm ra nguyên nhân rạn nứt để sửa chữa. Cũng như đau đầu phải khám bệnh, thay vì đợi đến khi mâu thuẫn trở nên căng thẳng, ngay khi thấy tình cảm vợ chồng không còn như trước, nên tìm hiểu nguyên nhân và ngăn chặn từ đầu. Trong trường hợp không thể cứu vãn, nên rời bỏ mối quan hệ độc hại thay vì cố che đậy.

''Bao nhiêu tiền, bao nhiêu miếng đất hay sĩ diện cũng không đáng giá bằng tự do cuộc đời, được sống là chính mình'', bà Tâm nói.

Gần đây, chồng chị Hồng Hạnh đã lên vị trí mới nên càng muốn giữ gìn hình ảnh hơn. Cũng vì vậy, anh không đánh lên mặt vợ mà chuyển sang những chỗ khó phát hiện và mua nhiều kem phấn cho vợ.

''Cái cách anh tô vẽ cho vẻ ngoài của tôi cũng giống như tô vẽ cho cuộc hôn nhân của mình vậy'', chị nói.

Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022