11 năm sau, Lucy, 28 tuổi, một trợ lý điều hành, vẫn đau đáu với sự hủy hoại đó. Cô đến ở với Jame từ khi mới 17 tuổi. Những ngày đầu mọi việc đều suôn sẻ. Cô làm việc chăm chỉ để trả tiền cho căn hộ đầu tiên, nhưng nhanh chóng biến mình thành nạn nhân bị bạo hành tài chính.

"Anh ấy mất việc, liên tục rút hàng trăm bảng khỏi ngân hàng. Anh ấy khẳng định đó là tiền của mình, vì đó là tài khoản chung", Lucy nhớ lại. Cô gửi tiền vào ngân hàng tiết kiệm, còn người yêu tiêu.

James đối xử với Lucy như một người hầu. Cô đi làm xa, về nhà sau khi anh đi chơi hàng giờ. Chàng trai cô yêu sẽ nằm trên ghế sofa, chờ Lucy dọn dẹp, nấu ăn.

Năm 2019, cô kết thúc mối quan hệ, chuyển đến một căn phòng trống. Nhưng anh người yêu nghiện ma túy thường về nhà, ném đồ đạc lung tung và la hét. Cuối cùng, cô chuyển đến ở với bố mẹ để có thể bán căn hộ. "Tôi trả tiền thế chấp, thanh toán các hóa đơn, nhưng anh người yêu cũ không chịu bán, trả tiền hay rời đi", cô kể.

Lạm dụng kinh tế là một hình thức bạo hành gia đình được pháp luật Anh ghi nhận, liên quan đến việc kiểm soát tài chính và hưởng lợi từ sức lao động của bạn đời/người yêu. Nó bao gồm phá hoại thu nhập và khả năng tiếp cận tài chính của nạn nhân, hạn chế họ dùng tiền, tài sản như bóc lột kinh tế.

Theo tổ chức từ thiện Surviving Economic, kiểm soát cách tiêu tiền, ra lệnh cho đối tác mua những gì, trợ cấp, kiểm soát việc sử dụng điện thoại hoặc ôtô, từ chối đóng góp chi phí gia đình và lấy tiền từ tài khoản ngân hàng chung đều là những hành vi lạm dụng.

a-3011-1675566004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ka18NSN8pz9gsUVE8xhTwA

Ảnh minh họa: Metro

Tổ chức này cho biết cứ 6 phụ nữ ở Anh thì có một người đã từng bị bạn đời hiện tại hoặc trước đây lạm dụng về kinh tế. Số liệu cho thấy, 2/3 nạn nhân đã không thể đáp ứng được chi phí sinh hoạt.

Đáng lo ngại là các chuyên gia về lạm dụng, thuộc công ty Rayden Solicitors, chuyên tư vấn luật gia đình, chứng kiến số lượt truy cập liên quan đến lạm dụng tài chính tăng 77% trong hai năm qua.

"Lạm dụng tài chính cần được mở rộng, như là một phần của hành vi kiểm soát và cưỡng chế. Đối tác của bạn có khăng khăng rằng tất cả lương của bạn phải dùng trả hóa đơn không? Họ có biết mật khẩu ngân hàng internet hoặc email của bạn và thông tin đăng nhập không?", William Ham, giám đốc pháp lý của công ty nói.

Vào thời điểm Lucy sẵn sàng bán căn hộ và rời xa James mãi mãi, anh mất việc và không trả được tiền thế chấp. Tuy nhiên, anh cũng không chịu dọn dẹp căn hộ để các đại lý bất động sản rao bán.

Lucy thậm chí đề nghị sẽ chia tiền bán nhà, giá trị hàng nghìn bảng cho người yêu cũ, nhưng anh ta vẫn không đồng ý. Lựa chọn duy nhất của cô ấy là ngừng trả khoản thế chấp vào năm 2020 để tài sản bị thu hồi.

"Tôi chỉ muốn thoát khỏi tình huống này. Tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi muốn loại bỏ anh ta khỏi đời mình", cô kể.

Kể từ đó, cô sống trong cơn ác mộng với những cuộc điện thoại bất tận từ ngân hàng và những hóa đơn pháp lý chồng chất. Cho đến khi căn hộ được bán, Lucy không thể vay thế chấp mới, không thể thuê hoặc thậm chí ký hợp đồng điện thoại mới vì xếp hạng tín dụng quá kém.

Lucy hiện đang nợ 12.000 bảng và vẫn bị tính 800 bảng (hơn 22 triệu đồng) mỗi tháng cho một căn hộ mà cô không thể ở.

Tuy nhiên, sự gia tăng chi phí sinh hoạt ở Anh thời điểm này khiến phụ nữ khó rời khỏi ngôi nhà bạo lực hơn, theo Solace Women's Aid, tổ chức bảo vệ phụ nữ London khỏi lạm dụng và bạo lực.

Tổ chức này hiện hỗ trợ một số phụ nữ bị kiểm soát bởi bạn đời/người yêu cũ. Sara, 28 tuổi, chạy trốn khỏi chồng sau 3 năm bị bạo hành thể xác. Cặp vợ chồng Iran kết hôn theo thoả thuận trước khi đến Anh. Nhưng đến đây, cô bắt đầu bị ngược đãi.

Cô chỉ được phép làm việc nhà, không được kiếm việc làm. Thậm chí, Sara bị chồng kiểm soát những gì ăn, mặc. Anh ta cho cô tiền tiêu vặt và kiểm soát việc sử dụng điện thoại. "Tôi muốn mua chai nước để uống cũng phải hỏi anh ấy. Tôi không được quyết bất cứ điều gì liên quan đến tài chính", cô kể.

Nhiều năm liền, Sara muốn ra đi, nhưng chồng tấn công và khiến cô sảy thai đứa con đầu lòng. "Giọt nước tràn ly. Tôi biết mình không an toàn, không thể tiếp tục. Anh ta dọa giết tôi", cô kể.

a-6041-1675566004.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TPt6vPdEyN31gcH9KkdssQ

Ảnh minh họa: Metro

Cô ở bệnh viện để hồi phục, trước khi được tổ chức từ thiện đưa đến nơi ẩn náu. Sara rời nhà mà không có gì, trừ bộ quần áo đang mặc.

Kalina Shah, quản lý dịch vụ tại Solace Women's Aid cho biết, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến cuộc sống của những người như Sara trở nên khó khăn hơn. Ở nhà là ác mộng, nhưng chuyển đến nơi ẩn náu cũng rất khó khăn. "Họ ít tiền nên khó thuê được phòng. Có rất ít phòng để phụ nữ bị lạm dụng được ở ngay", Kalina kể.

Quỹ khẩn cấp của tổ chức từ thiện chống lạm dụng Galop đã phải tăng chi 227% để giúp các nạn nhân sống sót. "Nhiều người đang quay lại với thủ phạm vì họ không thể tự lo tài chính", nhân viên tuyến đầu của quỹ này cảnh báo.

Peggy hiện đang mắc nợ 7.000 bảng Anh (198 triệu đồng) sau khi người yêu cũ thuyết phục cô chi trả mọi thứ. "Tôi cảm thấy cần giúp đỡ anh ấy về mặt tài chính vì tôi tin rằng điều đó có nghĩa là anh ấy sẽ ở lại với tôi", nữ quản lý dịch vụ khách hàng, 38 tuổi, ở Lincolnshire, kể.

Cô ấy gặp Tom năm 2016. Dù khẳng định là bạn tâm giao, nhưng anh xin tiền cô. Anh ta tuyên bố nếu cô không cho tiền, anh không thể ở bên. "Anh ấy nói cần trả nợ trước khi chúng tôi bên nhau. Hoặc anh phải có việc mới, nhưng lại không có tiền mua xe", cô kể.

Peggy đương nhiên hỗ trợ người yêu, đến mức mắc nợ thẻ tín dụng. Năm sau cô mang thai, Tom nói muốn họ đến ở cùng nhau để trở thành gia đình đúng nghĩa. Tuy nhiên, cô vẫn phải đi làm toàn thời gian, tự trả tất cả tiền thuê nhà. Anh vẫn không dọn đến ở cùng nên cô phải lo mọi thứ cho con nhỏ.

Sau ba năm, với khoản nợ 10.000 bảng, ước tính bốn năm nữa mới trả hết, cô kết thúc mối quan hệ. "Mọi thứ giờ đây thực sự khó khăn vì chi phí sinh hoạt. Nếu tôi không mất tất cả số tiền đó, tôi sẽ có tiền tiết kiệm để dành cho những thời điểm khó khăn như thế này", cô nói.

Trong khi đó, Lucy hy vọng căn hộ của mình sẽ sớm được bán để có thể tiếp tục và xây dựng lại điểm tín dụng. "Có lẽ sẽ mất nhiều thập kỷ, nhưng sau đó tôi sẽ được tự do", cô nói.

Nhật Minh (Theo Metro)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022