Kết nối là nhu cầu cố hữu của con người, nhưng một số người không muốn điều đó. Tiến sĩ Mark Travers, nhà tâm lý học người Mỹ cho biết, có ba dấu hiệu cho thấy một người độc lập đến mức khó thể có người yêu.
Không muốn nhờ giúp đỡ
Người độc lập thường rất miễn cưỡng khi nhờ sự giúp đỡ, vì nỗi sợ bị tổn thương. Những người này coi tự lực là sức mạnh và dựa dẫm vào người khác là biểu hiện của yếu đuối hoặc phụ thuộc.
Nghiên cứu công bố trên Thư viện Y khoa Mỹ, cho thấy những trải nghiệm giao tiếp ban đầu định hình hành vi trong các mối quan hệ của người lớn.
Nghiên cứu phát hiện các kiểu gắn bó hình thành từ thời thơ ấu như mối quan hệ an toàn và không an toàn với người chăm sóc, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết xung đột và sự cởi mở trong các mối quan hệ lãng mạn sau này.
Những người có tuổi thơ buồn thường lập một cơ chế bảo vệ. Họ tự giải quyết những thách thức, không muốn ''làm gánh nặng'' cho đối tác, dẫn đến khoảng cách. Những người phải đấu tranh trong tìm kiếm sự giúp đỡ hay thể hiện sự yếu đuối thường cô đơn hoặc chịu tổn thương tâm lý nặng nề.
Tiến sĩ Travers đề xuất nên thu hẹp dần sự độc lập quá mức bằng cách yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống ít rủi ro. Ví dụ, bạn có thể hỏi ý kiến đối phương về một quyết định cá nhân, như cùng lên kế hoạch hoạt động cuối tuần hoặc nhờ anh (cô) ấy giúp việc nhà. Những cử chỉ nhỏ này giúp bạn trải nghiệm sự tin cậy, dần định hình lại nhận thức về sự phụ thuộc, như khía cạnh tích cực trong mối quan hệ.
''Chấp nhận mình yếu đuối chút thôi sẽ giúp bạn dựa vào người mình yêu và biến độc lập thái quá thành mối quan hệ cân bằng'', nhà tâm lý nói.
Ảnh minh họa: Freepik
Xây dựng bức tường cảm xúc để giữ khoảng cách
Với những người siêu độc lập, khoảng cách tình cảm như sự tự bảo vệ. Họ tin tình yêu chắc chắn sẽ dẫn đến thất vọng, vì sự gần gũi gây mất mát và đau khổ. Với họ, sự gần gũi phải trả giá: Mọi người rời đi, mối quan hệ tan vỡ và những gì từng an toàn cuối cùng phai nhạt, khiến nỗ lực thành vô ích. Để tránh điều này, họ chỉ chia sẻ những ''khoảng thời gian tốt đẹp'' và giấu kín khó khăn, tin cuối cùng chỉ có chính mình.
Họ thể hiện sự độc lập bằng cách kìm nén cảm xúc và xa lánh người khác. Một nghiên cứu năm 2016 công bố trên Current Opinion in Psychology, cho biết quan niệm về gắn bó khiến người ta có cách ứng xử khác nhau khi mối quan hệ gặp trục trặc. Những người trải qua bất ổn hoặc từ bé không được đáp ứng nhu cầu thường xa lánh người mình yêu trong những tình huống đau khổ.
Cần thay đổi niềm tin dần dần, rồi học cách kết nối với đối tác bằng cách cố ý chia sẻ điều gì đó có ý nghĩa hoặc dễ bị tổn thương, mỗi tuần một lần. Nếu thấy sợ gần gũi hoặc có cảm giác thất vọng, hãy viết những cụm từ trấn an như ''hãy tận hưởng tình yêu, đừng lo lắng đến tương lai'' hoặc ''tình yêu này là duy nhất, không phải lặp lại của quá khứ''...
Ưu tiên sự cô đơn hơn là những trải nghiệm chung
Những cá nhân siêu độc lập thường duy trì ranh giới cứng nhắc, củng cố cảm giác tự chủ. Họ gần như không thể hiện nhu cầu hỗ trợ, lời khuyên hoặc sự hiện diện của đối tác.
Họ ưu tiên các hoạt động đơn độc hơn là những trải nghiệm chung, khiến các mối quan hệ trở nên tụt hậu, liên tục lựa chọn sở thích, mối quan tâm hoặc dự án cá nhân, tạo một khuôn mẫu mà trong đó đối tác tiềm năng chỉ xuất hiện một cách hời hợt.
Hơn nữa, sự hy sinh hay thỏa hiệp của người khác khiến họ không thoải mái, thậm chí như bị xâm phạm.
Những người này cần nói rõ với đối tác tiềm năng về nhu cầu được có không gian riêng tư, đồng thời thỉnh thoảng thỏa hiệp trong hẹn hò, có buổi gặp mặt chung
Nhật Minh (Theo Psychology Today)