Mô phỏng vật thể du hành liên sao hình điếu thuốc 'Oumuamua. Ảnh: ESO
Một nhóm nhà khoa học đứng đầu là Abraham Loeb, nhà vật lý thiên văn ở Đại học Harvard đề xuất chế tạo một tàu đánh chặn vật thể du hành liên sao, tàu vũ trụ có thể tới gần tiểu hành tinh hoặc sao chổi tiếp theo tiến vào hệ Mặt Trời. Tính đến nay, giới thiên văn học đã phát hiện hai vật thể như vậy lao qua hệ Mặt Trời. Đó là thiên thể hình điếu thuốc 'Oumuamua được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2017 và sao chổi 2I/Borisov phát hiện vào tháng 8/2019.
Đưa tàu thăm dò tới tìm hiểu vật thể liên sao sẽ cho phép các nhà thiên văn học chụp ảnh bề mặt thiên thể chính xác hơn, thậm chí lấy mẫu vật khí rò rỉ từ sao chổi như 2I/Borisov. Tuy nhiên, vào thời gian kính thiên văn học phát hiện vật thể liên sao, đã quá muộn để thiết kế, chế tạo và phóng tàu vũ trụ đuổi theo chúng, vì vậy, chúng thường lướt qua hệ Mặt Trời và rời đi với phần lớn bí mật.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu soạn thảo và trình bày đề xuất trên cơ sở dữ liệu arXiv hôm 3/11. Nghiên cứu chưa qua thẩm duyệt của họ đề xuất một cơ quan vũ trụ như NASA chế tạo và phóng tàu đánh chặn liên sao chờ sẵn trên quỹ đạo Trái Đất. Ngay khi giới thiên văn học phát hiện vật thể liên sao tới gần, tàu thăm dò có thể nhanh chóng bay tới đón đầu thiên thể xâm nhập trên đường bay qua hệ Mặt Trời của nó.
Vị trí thích hợp nhất để lưu trữ tàu đánh chặn trong không gian là một trong các điểm Lagrange của Trái Đất. Ở những điểm này, lực hấp dẫn của hai vật thể lớn là Trái Đất và Mặt Trời triệt tiêu lẫn nhau, cho phép vật thể nhỏ như vệ tinh hoặc tiểu hành tinh có thể ở cố định một chỗ, theo NASA.
Abraham Loeb xác định điểm Lagrange L2, nơi đặt kính viễn vọng không gian Hubble của NASA, là điểm lý tưởng nhất để đỗ tàu vũ trụ bởi đây là vị trí cho phép tàu thăm dò chặn đường nhiều đường bay khác nhau mà vật thể lạ có thể bay qua gần Trái Đất. Tàu đánh chặn sẽ chờ ở chế độ tiết kiệm năng lượng, có thể trong hàng thập kỷ, cho tới khi phát hiện ứng viên phù hợp. Khi đó, các nhà khoa học sẽ đưa tàu thăm dò tới nơi tốt nhất để đón đầu nó.
Giới thiên văn học nghi ngờ có nhiều vật thể liên sao bay qua hệ Mặt Trời bị bỏ sót mỗi năm. Việc xây dựng kính viễn vọng mới hiện đại như Đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile, dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ đầu năm 2024, sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều vật thể như vậy. Theo dự đoán, Vera C. Rubin có thể phát hiện 1 - 10 vật thể liên sao mỗi năm.
An Khang (Theo Live Science)