Sáng 15/11, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Australia (CSIRO’s Data61) và Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo giới thiệu nền tảng cơ sở dữ liệu về chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp kết nối cung cầu công nghệ số.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, việc kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia đã trải qua 4 năm qua các giai đoạn hợp tác hướng tới mục tiêu thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hướng tới nền kinh tế số, Việt Nam nỗ lực thực hiện lấy trí tuệ nhân tạo làm trung tâm, tăng cường thúc đẩy kết nối với các chuyên gia và đạt được thành công, điển hình như chương trình AI4VN.

Ông cho biết, để phát triển hơn nữa cần phát triển công cụ sử dụng AI trong việc tạo nền tảng nhằm tự động tìm kiếm, kết nối cập nhật thông tin về các chuyên gia trí thức người Việt trên toàn cầu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Aus4Innovation cùng các đơn vị thực hiện xây dựng nền tảng. "Nền tảng sẽ giúp kết nối chuyên gia, trí thức, là bước đi mở đường cho những hợp tác sau đó như mời về, kết nối", ông nói.

img-1784-1-1-jpeg-6843-1668497-4686-8973-1668500153.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=euW0G6oovlrJqdSlzAlblQ

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TTTT

TS Henry Nguyễn, Đại học Griffith - đơn vị xây dựng nền tảng, cho biết VNconnect có thể tự động thu thập, lưu trữ và cập nhật hồ sơ các chuyên gia AI người Việt trong và ngoài nước. Nhóm nghiên cứu sử dụng cơ sở dữ liệu thu thập từ nguồn dữ liệu mở (WIPO, Google Scholar, Scopus), cơ quan nhà nước và các Viện nghiên cứu. Người dùng có thể sử dụng nền tảng nhằm định danh, xếp hạng công nghệ (chuyên gia, tổ chức) và tìm kiếm và phát triển bản đồ công nghệ.

Hiện nền tảng có dữ liệu của 4.458 chuyên gia AI người Việt trên toàn thế giới, 836 tổ chức là các đơn vị mà người Việt làm việc, 2.567 bằng sáng chế và 113.124 bài nghiên cứu về AI do người Việt đứng tên. Nền tảng VNConnect có tiềm năng trở thành một trong những giải pháp thống nhất cung - cầu về mặt công nghệ số, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ số và các đối tượng có nhu cầu, qua đó hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia và doanh nghiệp. "Sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao kỹ thuật cho Bộ Khoa học và Công nghệ", ông nói.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nền tảng hoàn toàn có thể mở rộng ra các trường đại học kỹ thuật trong cả nước, giải quyết vấn đề tích hợp quản trị, giữa sinh viên, giảng viên và các đối tác quốc tế, từ đó xây dựng quy mô lớn hơn của cộng đồng các trường đại học.

IMG-1793-1-jpeg-6979-1668497497.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e3tPA94aUByNWrrfq7VwKg

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: TTTT

Hiện Việt Nam có hơn 1.900 chuyên gia đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI. Bên cạnh việc kết nối chuyên gia và doanh nghiệp, các nhà khoa học mong muốn phát triển trở thành một nền tảng kết nối cung cầu về công nghệ số. Tại hội thảo, nhiều ý kiến gợi ý bổ sung cơ sở dữ liệu về các sáng chế, giải pháp hữu ích và cách thức để nhà khoa học và doanh nghiệp kết nối công nghệ, thương mại hoá sáng chế...

Nền tảng VNconnect được phát triển trong khuôn khổ dự án "Thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam", hợp tác giữa Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO), CSIRO’s Data61 - Cơ quan Khoa học Dữ liệu của Chính phủ Australia, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan nghiên cứu khác của Việt Nam và Australia.

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022