spacex-khai-hoa-14-dong-co-cua-ten-lua-super-heavy-1668482227.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PCB6huWWoStFdh3m-Yd8-Q
SpaceX khai hỏa 14 động cơ của tên lửa Super Heavy

Cụm động cơ Raptor khai hỏa trong thử nghiệm lửa tĩnh. Video: NASA Spaceflight

SpaceX tiến hành thử nghiệm mạnh nhất từ trước tới nay với tên lửa đẩy Super Heavy trong tổ hợp Starship dùng để chở người tới Mặt Trăng và sao Hỏa. Công ty khai hỏa 14 động cơ Raptor trên Booster 7, nguyên mẫu tên lửa Super Heavy ở tầng thứ nhất của hệ thống Starship, trong thử nghiệm lửa tĩnh vào 0h51 ngày 15/11 theo giờ Hà Nội ở cơ sở Starbase tại Nam Texas. Quá trình thử nghiệm kéo dài 10 giây.

Thử nghiệm lửa tĩnh trước khi bay rất, trong đó động cơ của tên lửa khai hỏa thời gian ngắn trong khi phương tiện được neo trên mặt đất. SpaceX đang chuẩn bị cho chuyến bay thử lên quỹ đạo đầu tiên của Starship với phiên bản động cơ đẩy Booster 7 và nguyên mẫu tầng phía trên là Ship 24. Chuyến bay có thể phóng trước dịp cuối năm, theo Elon Musk, giám đốc điều hành SpaceX.

Thử nghiệm lửa tĩnh mới nhất có thể là bước tiến lớn hướng tới chuyến bay trên quỹ đạo với số lượng động cơ Raptor khai hỏa nhiều gấp đôi lần thử nghiệm trước đó hôm 8/9. Tuy nhiên, SpaceX vẫn còn nhiều công việc cần tiến hành để chứng minh Booster 7 đã sẵn sàng bay. Phương tiện trang bị tổng cộng 33 động cơ Raptor. Tàu Ship 24 lắp 6 động cơ Raptor.

SpaceX đang phát triển hệ thống Starship để đưa người và hàng hóa tới Mặt Trăng và sao Hỏa cũng như thực hiện nhiều nhiệm vụ bay vũ trụ. Các nguyên mẫu của Starship đã trải qua nhiều thử nghiệm bay cho tới nay, nhưng chưa nguyên mẫu nào bay cao hơn 10 km và tích hợp tên lửa đẩy Super Heavy.

SpaceX đã ký hợp đồng sử dụng tàu Starship với một số khách hàng, bao gồm NASA (chương trình khám phá Mặt Trăng Artemis). Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, phi hành gia sẽ hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng trong năm 2025 hoặc 2026 bằng tàu Starship trong nhiệm vụ Artemis 3. Những khách hàng tư nhân cũng đặt tàu Starship cho các nhiệm vụ quanh Mặt Trăng. Chẳng hạn, tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa đặt một chuyến bay vòng quanh Mặt Trăng.

An Khang (Theo Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022