Chiều ngày 27/5, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã có buổi làm việc với các Viện nghiên cứu Quốc gia và Trường đại học hàng đầu của Cộng hòa Pháp. Đây là hoạt động bên lề trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam.

Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch VAST, GS.TS Chu Hoàng Hà, đề xuất thúc đẩy các mô hình đào tạo tích hợp nghiên cứu, đồng hướng dẫn tiến sĩ, mở rộng trường khoa học quốc tế, hình thành các phòng thí nghiệm hợp tác, cũng như kết nối ba bên giữa viện, trường, doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

dsc-1659-1748342235-1748342250-7535-1748342405.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7t-SQQ1ienUB6YwSUDcEPw

Buổi làm việc giữa đại diện VAST và đoàn các viện, trường, trung tâm nghiên cứu đến từ Pháp, chiều 27/5. Ảnh: VAST

Nhiều nội dung hợp tác mới được xác lập trong buổi làm việc, thông qua việc ký kết các văn kiện hợp tác gồm: Kế hoạch hành động VAST với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) giai đoạn 2025-2028; Biên bản ghi nhớ giữa VAST - Đại học Paris Cité; Kế hoạch hợp tác Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) và Thỏa thuận triển khai dự án nghiên cứu chung giữa USTH, CNRS và Viện Khoa học vật liệu.

"Các thỏa thuận này phản ánh quyết tâm của hai bên trong việc đa dạng hóa nội dung, mở rộng đối tác hướng tới hình thành các chương trình chiến lược chung giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - đào tạo nhân lực", đại diện VAST nói.

Tại cuộc gặp, GS Antoine Petit, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, đề xuất hai bên tập trung đào tạo nhân lực và thương mại hóa nghiên cứu. Một trong những ưu tiên GS Antoine Petit đề cập là hỗ trợ phát triển, chuyển giao các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. "Mục tiêu để những kết quả đạt được trong nghiên cứu cơ bản và một phần nghiên cứu ứng dụng sẽ phát huy được giá trị", ông Petit nói.

Phát biểu tại sự kiện, GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST nhắc lại thời điểm năm 1983, Việt Nam vẫn còn chịu cấm vận, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) là tổ chức khoa học phương Tây đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác chính thức với một Viện nghiên cứu quốc gia của Việt Nam.

Từ đó đến nay, hai bên đạt được nhiều kết quả trong hợp tác nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao, môi trường biển, năng lượng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ vũ trụ...

Kết quả này cũng giúp VAST mở rộng quan hệ với nhiều đối tác lớn khác như Viện IRD, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Pháp (CNES), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp (MNHN), Viện Nghiên cứu quốc gia về Khoa học và Công nghệ biển (IFREMER), Trung tâm hợp tác quốc tế về Nông nghiệp Pháp (CIRAD), và nhiều trường đại học hàng đầu như Paris 6, Paris-Saclay, Sorbonne.

GS Minh kỳ vọng hai bên tiếp tục những định hướng hợp tác mới, thiết thực hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang triển khai Kế hoạch hành động Việt Nam - Pháp nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

khoa-hoc-vat-lieu-2-1748342120-5219-7383-1748342406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cyAIRjGgawVB8VImIC99XA

Phòng nghiên cứu khoa học vật liệu tại trường USTH, với sự tham gia của các chuyên gia Pháp và Việt Nam. Ảnh: VAST

Sáng cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), đơn vị trực thuộc VAST. Tại đây, ông Macron đã có buổi đối thoại với sinh viên, giảng viên và thể hiện cam kết của Chính phủ Pháp trong việc đồng hành phát triển USTH.

Lưu Quý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022