VNE-Wall-1735617460-8016-1735617548.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XaNyazfaPF6s6waLkSAohA

Vạn lý Trường thành điện mặt trời đang xây dựng nhìn từ trên cao. Ảnh: NASA/Đài quan sát Trái Đất

Sa mạc Kubuqi ở tây bắc Trung Quốc là nơi tiến hành dự án xây dựng "Vạn lý Trường thành" điện mặt trời đầy tham vọng, giúp biến đổi vùng đất hoang vắng này. Sau khi hoàn thành vào năm 2030, trang trại mặt trời sẽ rộng 5 km và trải dài 400 km trên sa mạc cát. Con số đó có vẻ khá ngắn so với chiều dài 21.196 km của Vạn lý Trường thành thật, nhưng quy mô của trang trại vẫn gây ấn tượng về mặt sản xuất điện.

Dự kiến, công suất tối đa của trang trại là 100 gigawatt (GW), trong đó 5,42 GW đã được lắp đặt tính đến nay. Trang trại sẽ bao gồm hàng triệu tấm pin quang điện, khai thác ước tính 3.100 giờ có nắng hàng năm ở vùng sa mạc này. Khi hoàn thiện, trang trại khổng lồ sẽ sản xuất đủ điện để cung cấp cho thủ đô Bắc Kinh.

Theo China Daily, Bắc Kinh tiêu thụ 135,8 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện vào năm 2023. Trang trại sẽ sản xuất khoảng 180 tỷ kWh điện vào năm 2030. Nếu nhu cầu điện của Bắc Kinh không chênh lệch nhiều so với hiện nay, trang trại sẽ sản xuất đủ điện không chỉ cho thủ đô mà cả những vùng xung quanh. Thậm chí, sản lượng đó còn vượt xa trang trại mặt trời lớn nhất thế giới cũng ở Trung Quốc (6,09 tỷ kWh/năm).

Trung Quốc đang là nước thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới với 10,8 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2021. Ở Dalad Banner, nơi một phần "Vạn lý Trường thành" điện mặt trời đang được xây dựng, ước tính trang trại có thể giảm khoảng 31,3 triệu tấn khí thải chứa carbon trong vùng, theo Li Kai, quan chức ở cơ quan quản lý điện Dalad Banner. Trang trại mới sẽ góp phần phủ xanh và ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa Kubuqi. Ban quản lý dự án hướng tới xử lý gần 27 triệu hecta sa mạc. Các tấm pin quang điện sẽ giúp cố định cát, đóng vai trò chắn gió đẩy đụn cát dịch chuyển và cung cấp bóng mát cho cây trồng phát triển.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022