Tên lửa Vulcan Centaur phóng lần đầu tiên. Video: SciNews
Phương tiện phóng bay vào không gian, đốt nhiên liệu nhằm thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất và phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Peregrine tới Mặt Trăng. Vào khoảng 14 giờ theo giờ Hà Nội, tàu vũ trụ Peregrine tách khỏi tên lửa và bắt đầu hành trình bay chậm tới bề mặt Mặt Trăng. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, tàu đổ bộ có thể hạ cánh trên Mặt Trăng vào ngày 23/2, theo CNN.
Công ty Astrobotic Technology ở Pittsburgh phát triển tàu đổ bộ Peregrine, đặt theo tên loài chim bay nhanh nhất thế giới, theo hợp đồng với NASA. NASA đã trả 108 triệu USD cho Astrobotic để phát triển Peregrine và chở thí nghiệm khoa học của cơ quan này tới bề mặt Mặt Trăng. Nhưng NASA chỉ là một trong nhiều khách hàng của nhiệm vụ.
5 số 20 khối hàng mà Peregrine sắp chở tới Mặt Trăng là thiết bị khoa học của NASA. 15 khối hàng còn lại đến từ các khách hàng khác. Một số là dụng cụ khoa học từ những quốc gia như Mexico, số khác gồm thí nghiệm tự động từ một công ty tư nhân ở Anh và đồ vật từ công ty vận chuyển DHL của Đức.
Peregrine cũng chở tro cốt người cho hai công ty thương mại chuyên về chôn cất trong vũ trụ là Elysium Space và Celestis. Celestis cung cấp dịch vụ đưa tro cốt lên Mặt Trăng với giá khởi điểm hơn 10.000 USD. Trong nhiệm vụ mang tên Enterprise Flight, tên lửa Vulcan Centaur chở 256 khoang chứa tro cốt cũng như ADN từ các cựu tổng thống Mỹ John F. Kennedy, George Washington và Dwight Eisenhower. Ngoài ra, nhiệm vụ Enterprise Flight cũng mang theo tro cốt của Philip Chapman, người được chọn làm phi hành gia năm 1967 nhưng chưa bao giờ bay vào vũ trụ và qua đời năm 2021.
5 thí nghiệm khoa học của NASA bao gồm thiết bị theo dõi môi trường bức xạ, giúp chuẩn bị tốt hơn để thực hiện nhiệm vụ đưa người trở lại Mặt Trăng, theo Paul Niles, nhà khoa học trong chương trình Commercial Lunar Payload Services của NASA. Các thiết bị khác sẽ phân tích thành phần cấu tạo đất, tìm kiếm nước và phân tử hydroxyl. NASA cũng sẽ nghiên cứu khí quyển siêu mỏng của Mặt Trăng. Sau khi ở trên bề mặt Mặt Trăng, theo dự kiến Peregrine sẽ hoạt động trong 10 ngày trước khi địa điểm hạ cánh của nó chìm trong bóng tối, khiến tàu quá lạnh để tiếp tục vận hành.
Tên lửa Vulcan Centaur của ULA phóng lần đầu tiên sau nhiều năm chế tạo. Nếu nhiệm vụ thành công, đây sẽ là một bước ngoặt đối với ULA và ngành công nghiệp phóng tàu. ULA được thành lập vào năm 2006 nhằm duy trì hoạt động của cả tên lửa Delta của Boeing và Atlas của Lockheed. ULA và giám đốc điều hành công ty là Tory Bruno, hy vọng Vulcan Centaur sẽ thay thế các tên lửa Atlas và Delta. Vulcan Centaur đã có khoảng 70 nhiệm vụ chờ phóng, theo Bruno.
Vulcan Centaur được chế tạo dựa trên thành công của tên lửa Atlas, sử dụng cùng tầng bên trên, bộ phận giúp đẩy tàu vũ trụ tới tốc độ quỹ đạo sau khi phóng. Nhưng tầng đầu tiên của tên lửa (bộ phận ở dưới cung cấp lực đẩy ban đầu để phương tiện rời khỏi bệ phóng) trải qua một thay đổi lớn. Vulcan Centaur được đẩy bởi hai tên lửa phụ cùng cũng như động cơ tên lửa do công ty Blue Origin của Mỹ chế tạo, thay thế động cơ của Nga từng sử dụng trên tên lửa Atlas.
Vulcan Centaur trở thành tàu đổ bộ tiếp theo của Mỹ phóng tới Mặt Trăng kể từ nhiệm vụ Apollo năm 1972. Apollo là chương trình du hành vũ trụ có người lái của Mỹ do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NASA) quản lý, được thông qua vào năm 1961 với mục tiêu chạy đua với Liên Xô trong công cuộc đưa người điều khiển tàu vũ trụ đổ bộ xuống Mặt Trăng. Cột mốc đặc biệt trong chương trình là 1969, hai phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong và Buzz Aldrin điều khiển khoang đổ bộ Eagle trên tàu Apollo 11 hạ cánh an toàn xuống vùng tây nam Mặt Trăng. Chương trình Apollo kết thúc vào năm 1972 khi tàu vũ trụ Apollo 17 do phi hành gia Gene Cernane điều khiển trở thành chuyến bay có người lái cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng. Từ đó tới nay, Mỹ chưa phóng tiếp tàu đổ bộ nào tới Mặt Trăng.
An Khang (Theo CNN)