Lễ khai giảng khóa đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch tổ chức tại Đại học Thủ Dầu Một, sáng 8/1. Theo đó, giảng viên nhà trường được chuyên gia của Sun Edu, đại diện các tập đoàn vi mạch trực tiếp giảng dạy. Trong quá trình học, các giảng viên được hỗ trợ thực hành, tiếp cận thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn như Synopsys, Cadence... Đây là cơ sở giúp giảng viên xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn đào tạo sinh viên.

Khi tham gia khóa học, giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào kiến thức thực tiễn. Chương trình đào tạo thực hiện theo mô hình ToT (Train of trainer) tức giảng viên sau khi được đào tạo sẽ dạy lại cho học viên, sinh viên. Sau khi hoàn thành khóa học và kiểm tra chất lượng, các học viên có thể làm việc ngay tại các công ty thiết kế vi mạch.

dsc-9639-jpg-5525-1704700664-1-9300-8888-1704704144.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9jAwCPE-93IeHxIo3lYmBg

Đại diện các đơn vị tổ chức bấm nút khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch cho giảng viên. Ảnh: BTC

Theo TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, các giảng viên tham gia khóa học là nguồn lực nòng cốt đào tạo những tài năng trong ngành bán dẫn không chỉ của Bình Dương mà còn cho khu vực lân cận. Nguồn nhân lực này góp phần phát triển hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, chiến lược phát triển và quy hoạch sắp tới Bình Dương sẽ dành khoảng 1.500 ha đất chuyển đổi từ khu công nghiệp, nguồn đất sạch khác cho công nghiệp bán dẫn. Tỉnh cũng dành khoảng 250 ha để phát triển vùng lõi cho nghiên cứu vi mạch đặt tại thành phố mới Bình Dương, gắn với Đại học Quốc tế Miền Đông. Theo đó việc chuẩn bị nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định.

Để nhân lực vi mạch đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM Nguyễn Anh Thi cho rằng cần có những khóa đào tạo nâng cao kỹ năng (upskill) cho những tài năng có chuyên môn gần với ngành vi mạch để họ có thể làm việc sớm hơn. Cần có chính sách ưu đãi nhân lực về lương, thuế thu nhập cá nhân... "Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các tỉnh Đông Nam Bộ trong định hình chiến lược phát triển vi mạch trong thời gian tới", ông Thi phát biểu tại sự kiện.

Trong năm 2023, Khu công nghệ cao TP HCM phối hợp với đối tác tổ chức đào tạo thiết kế vi mạch cho 58 học viên là giảng viên 13 trường đại học và 54 sinh viên được đào tạo kỹ năng thiết kế vật lý chip bán dẫn theo đặt hàng của doanh nghiệp. Sắp tới chương trình sẽ mở rộng tổ chức đào tạo cho sinh viên, giảng viên đại học ở khu vực phía Bắc nhằm phát triển nhân lực thiết kế vi mạch.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022