Theo cổng thông tin tra cứu SpringerLink (thuộc nhà xuất bản Springer-Nature), tạp chí Environmental Science and Pollution Research vừa gỡ bỏ bài báo "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries". Trong số tác giả của bài báo có GS.TS Võ Xuân Vinh (tác giả thứ 5), hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), từng là thành viên Hội đồng khoa học ngành kinh tế của Quỹ Nafosted giai đoạn 2016-2021.

Nhà xuất bản Springer thông báo việc rút bài báo khoa học đã xuất bản do kết quả điều tra cho thấy bài báo này nằm trong một nhóm bài có một số điều đáng lo ngại, bao gồm quy trình bình duyệt bị lũng đoạn; do trích dẫn các tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan; chứa nhiều cụm từ không chuẩn hoặc không nằm trong phạm vi của tạp chí. Dựa theo kết quả điều tra, nhà xuất bản và tạp chí không còn tin tưởng vào các kết quả và kết luận của bài báo.

Nhà xuất bản cho biết, tác giả liên hệ Mohammed Musah không đồng ý với quyết định rút bài. Trong khi tác giả Võ Xuân Vinh tuyên bố không biết đến việc nộp và xuất bản bài báo này. Các tác giả còn lại Kaodui Li, Stephen Antwi, Jonas Bawuah, Yusheng Kong và Mary Donkor không phản hồi thông báo từ nhà xuất bản về việc gỡ bài. Riêng hai tác giả Isaac Mensah và Joseph Agyemang, nhà xuất bản không thể liên lạc.

a-nh-chu-p-ma-n-hi-nh-2024-05-8052-4806-1715265566.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ceBDo5JA3qJMzTRmCz-K7w

Nhà xuất bản Springer thông báo về việc rút bài báo đối với nhóm tác giả.

Trao đổi với VnExpress, một giáo sư Vật lý của trường Đại học Phenikaa cho hay việc một bài báo bị retracted (gỡ bỏ) không hiếm, song ít xảy ra với những tạp chí uy tín và môi trường học thuật nghiêm túc. Ngược lại với những tạp chí kém chất lượng việc này có thể xảy ra nhiều hơn, thậm chí tệ và có chủ đích đến từ các môi trường học thuật mới nổi.

Theo giáo sư, việc rút bài báo khoa học đến từ nhiều nguyên nhân, song có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất đến từ vi phạm liêm chính học thuật có chủ đích, như ăn cắp kết quả, tự đạo kết quả... Thứ hai đến từ vi phạm liêm chính học thuật ngoài ý muốn/thiếu hiểu biết, như kết quả nghiên cứu sai không thể khắc phục, không ghi nhận đóng góp và hỗ trợ hoặc cho tên tác giả không đóng góp.

Ông đánh giá "mức độ sai trái dẫn đến rút bài có khi rất nghiêm trọng". Nếu việc rút bài đến từ nguyên nhân "tai nạn", ví dụ kết quả sai do chưa nghiên cứu thấu đáo - điều này có thể "cảm thông" được. Tuy nhiên, nếu việc rút bài xảy ra có tính lặp lại hoặc thường xuyên sẽ giảm mạnh uy tín cho cả tác giả và tạp chí.

Nhìn nhận công bố quốc tế là cần thiết, song ông cho rằng "cần giáo dục về liêm chính và phải có luật nghiên cứu công bố khoa học công nghệ".

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM, việc rút bài báo không xảy ra thường xuyên mà do có sự vi phạm nghiêm trọng nào đó. Ông cho hay, nguyên nhân rút bài báo được nhà xuất bản Springer đưa ra có chi tiết đáng lưu ý liên quan "quy trình bình duyệt bị lũng đoạn". Với một quy trình xuất bản thông thường, hệ thống thường gửi email thông báo do đó đặt ra câu hỏi về "mức độ nghiên cứu hoặc đóng góp của tác giả là gì".

Ông cũng nhấn mạnh, việc bài báo bị gỡ ảnh hưởng đến uy tín của tác giả. Tuy nhiên hiện nay quy chế phản biện của các tạp chí còn nhiều bất cập. "Việc phản biện kín với một vài chuyên gia rất dễ bị lũng đoạn. Đã là khoa học, tại sao quá trình phản biện không khuyến khích phản biện mở, để độc giả có thể nhận xét phản biện ngay trên tạp chí, hoặc diễn đàn", ông nêu.

PGS Quân đánh giá, trong xu thế thị trường giáo dục ngày một cạnh tranh, các trường đại học xem việc kiểm định quốc tế là danh tiếng và uy tín của mình để tuyển sinh. Trong các tiêu chuẩn, số công bố khoa học khá quan trọng vì thể hiện năng lực khoa học của trường đại học.

Bên cạnh đó, đối với cá nhân nhà khoa học, số lượng và tổng chỉ số các công bố cũng là tiêu chuẩn quan trọng để được công nhận học hàm học vị, là thành tích có thể được nhận tiền thưởng, tăng lương. Song ông khuyến nghị cần nhìn nhận lại việc "thần thánh hóa" công bố quốc tế. Việc đăng ở các tạp chí quốc tế không hoàn toàn nói lên giá trị của nghiên cứu, ông cho hay.

PGS Quân kiến nghị Quỹ khoa học nên dành cho những sáng chế có tính đổi mới thực tiễn và khởi nghiệp, và người làm nghiên cứu nêu cao tinh thần sáng tạo, giải quyết thực tiễn thay vì chỉ dùng các tiểu xảo và kỹ năng viết báo để "phô diễn học thuật".

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022