Khoảnh khắc cuối cùng của Sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) khi nó bay về phía Mặt trời vào ngày 28/10/2024. Video: ESA/NASA SOHO
Hình ảnh kỳ lạ từ tàu vũ trụ Quan sát Mặt Trời và Nhật quyển (SOHO) cho thấy sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) lao vào Mặt Trời và bốc cháy, Live Science hôm 31/10 đưa tin.
Trước đó, người ta hy vọng sao chổi này có thể trở thành một "món quà Halloween" nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng cuối cùng những hy vọng này đã tan thành mây khói. Các nhà thiên văn học đã bắt đầu quan sát thấy thiên thể này bắt đầu tan rã.
Giờ đây, nhờ SOHO, một tàu vũ trụ được vận hành bởi NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, chúng ta đã biết chắc chắn sao chổi ATLAS đã kết thúc như thế nào và khi nào.
C/2024 S1 (ATLAS) đã đi qua điểm gần Trái Đất nhất vào 23/10, đạt cấp sao biểu kiến 8,7, quá mờ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, kính thiên văn vẫn có thể nhìn thoáng qua nó.
Sau lần tiếp cận đó, sao chổi này bắt đầu bay về phía Mặt Trời, khiến cho việc quan sát trở nên khó khăn nếu không sử dụng các thiết bị chuyên dụng được thiết kế cho việc quan sát Mặt Trời.
Sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) đã đi qua điểm gần nhất với Trái Đất vào ngày 23/10. Ảnh: Space
Sao chổi ATLAS được phát hiện lần đầu tiên vào hôm 27/9, bởi dự án Hệ thống cảnh báo cuối về tác động Trái Đất của tiểu hành tinh (ATLAS) ở Hawaii. Nó thuộc họ Kreutz, những sao chổi có quỹ đạo tương tự nhau, đưa chúng đến rất gần Mặt Trời sau mỗi 500 đến 800 năm, tùy thuộc vào quỹ đạo riêng của từng sao chổi.
Giống như tất cả các sao chổi khác, C/2024 S1 (ATLAS) về cơ bản là một "quả cầu tuyết bẩn", một thiên thể đóng băng gồm khí, đá và bụi còn sót lại từ những ngày đầu tiên của hệ Mặt Trời khoảng 4,6 tỷ năm trước.
Một số sao chổi có thể mất đến hàng trăm nghìn hoặc hàng triệu năm để quay quanh Mặt Trời, song một số có thể quay quanh trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều. Sao chổi Halley, một trong những sao chổi nổi tiếng nhất, quay quanh Mặt Trời khoảng 75 năm một lần. Trong khi đó, sao chổi Encke quay quanh Mặt Trời 3,3 năm một lần.
Một sao chổi khác, được gọi là C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS), đã sống sót sau khi tiếp cận gần nhất với Mặt Trời vào hôm 27/9 và đã tạo nên một màn trình diễn khá ấn tượng cho những người quan sát trên toàn thế giới, có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong suốt tháng 10.
Minh Thư (Theo Space)