Mang tên China Media Group (CMG) World Robot Competition - Mecha Fighting Series, đây là sự kiện thể thao đối kháng đầu tiên trên thế giới tập trung vào robot hình người. Tập đoàn truyền thông Trung Quốc CMG nhấn mạnh, mọi robot chiến đấu hình người đều trang bị các công nghệ được phát triển trong nước.

giai-dau-robot-hinh-nguoi-dau-tien-tren-the-gioi-1748234445.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nMOPDqUtT5eagrEI-No6gg
Giải đấu robot hình người đầu tiên trên thế giới

Đội "AI Strategist" với người điều khiển Lu Xin giành chiến thắng giải boxing cho robot hình người hôm 25/5. Video: CGTN

Giải đấu được phát trực tiếp gồm các trận mang tính biểu diễn và thi đấu. Trong loạt trận thi đấu, có 4 đội điều khiển robot tham gia so tài boxing. Theo CGTN, đội "AI Strategist" với người điều khiển là Lu Xin giành chiến thắng cuối cùng.

"Các robot chiến đấu theo dạng hợp tác giữa người và máy", Chen Xiyun, thành viên nhóm marketing của Unitree Robotics, giải thích với Global Times. Chen cho biết thêm, chúng đã thể hiện nhiều cú đấm thẳng, đấm móc, đá ngang và đá xoay trên không, thậm chí đứng dậy sau khi ngã.

Tuy nhiên, theo Interesting Engineering, đôi khi hành động của robot không ăn khớp. Chúng đấm sai hướng trong khi robot đối thủ đứng ở vị trí khác.

Giải đấu có sự góp mặt của Unitree G1, robot hình người hàng đầu do Unitree Robotics chế tạo. Robot này cao 1,32 m, nặng 35 kg, có khả năng tính toán tiên tiến và kiểm soát chuyển động mượt mà. Theo Chen, Unitree G1 được thiết kế để hoạt động trong những môi trường đầy thách thức với con người. Robot có hình dáng nhỏ gọn, linh hoạt và nhanh nhẹn.

Trước loạt trận boxing, các robot trải qua nhiều bài kiểm tra để chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu và giúp ban tổ chức tinh chỉnh các quy tắc, theo Gao Yuan, điều phối viên của sàn đấu. Robot phải có khả năng tự cân bằng đủ tốt, sự di chuyển và động tác phải đủ mượt mà và chính xác. CMG cho biết, mục tiêu cuối cùng của các nhà phát triển là tạo ra robot nhẹ và thông minh hơn cho cuộc sống hàng ngày.

Theo Tian Feng, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp Trí tuệ của SenseTime, trận đấu boxing thể hiện sự tiến bộ của Trung Quốc trong AI, robot và kỹ thuật. Tian lưu ý, ngoài độ bền của pin và vật liệu, thể thao đối kháng còn đòi hỏi sự phối hợp toàn thân và khả năng chuyển động của chi trên. Người điều khiển từ xa robot cần nhanh chóng điều chỉnh chiến thuật, đối phó với các động tác của đối thủ.

Những trận đấu robot như hôm 25/5 có thể tạo ra tình huống áp lực cao, nhịp độ nhanh để kiểm tra cấu trúc robot, khả năng kiểm soát chuyển động và ra quyết định của trí tuệ nhân tạo (AI). Giải đấu dự kiến thúc đẩy đổi mới trong công nghệ nhận thức, điều khiển và thực hành, đóng góp cho ngành công nghiệp robot đang phát triển nhanh của Trung Quốc.

Robot hình người Trung Quốc ngày càng bộc lộ nhiều khả năng, từ giải khối Rubik, hỗ trợ các quy trình y tế, chạy marathon đến bước vào sàn đấu boxing. Theo Viện Điện tử Trung Quốc, thị trường robot hình người nước này dự kiến đạt 870 tỷ nhân dân tệ (120 tỷ USD) vào năm 2030.

Thu Thảo (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022