anh-cuc-quang-tu-ISS-5529-1728891817.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7-vhQ1fHXOpw4atTo1-R5w

Phi hành gia NASA Don Pettit chia sẻ bức ảnh về màn trình diễn cực quang chụp từ Trạm vũ trụ quốc tế, qua X vào ngày 11/10. Ảnh:NASA/Don Pettit

"Choáng ngợp là từ diễn tả chính xác", phi hành gia Pettit (NASA) chia sẻ trên X hôm 11/10 kèm bức ảnh về màn trình diễn ánh sáng thiên thể. "Mặt Trời bùng nổ và bầu khí quyển chuyển sang màu đỏ. Quang cảnh ngoạn mục không chỉ từ Trái Đất mà còn từ trên quỹ đạo", phi hành gia viết.

Cực quang đặc biệt ấn tượng vào đêm 10/10 do một cơn bão địa từ mạnh, được kích hoạt bởi sự xuất hiện của đám mây plasma mặt trời khổng lồ bắn vào không gian do hiện tượng phun trào nhật hoa (CME).

Theo Pettit, khi đó Trạm Vũ trụ Quốc tế trông như bị thu nhỏ lại. "Chúng tôi không bay phía trên cực quang, chúng tôi đang bay trong cực quang. Nó có màu đỏ như máu", ông nói thêm.

Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), cơn bão địa từ này là kết quả của việc Trái Đất bị tấn công bởi một vụ phun trào các hạt tích điện - plasma từ Mặt Trời, cụ thể hơn là vết đen mặt trời AR 3848 vào tối ngày 8/10.

Vụ phun trào khối lượng vành nhật hoa đã di chuyển đến Trái Đất với tốc độ 2,9 triệu dặm/giờ (4,6 triệu km/giờ). Khi xảy ra hiện tượng bão từ sẽ xuất hiện cực quang thú vị.

Phi hành gia Pettit và hai phi hành gia Nga Alexey Ovchinin, Ivan Vagner đến ISS trên tàu vũ trụ Nga Soyuz hôm 12/9.

Pettit, Ovchinin và Vagner sẽ cùng làm việc với 9 người đã sống trên trạm ISS từ trước, gồm 6 phi hành gia NASA Michael Barratt, Tracy Caldwell-Dyson, Matthew Dominick, Jeanette Epps, Barry Wilmore, Suni Williams và 3 phi hành gia Nga Nikolai Chub, Alexander Grebenkin, Oleg Kononenko.

Minh Thư (Theo Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022