Mô tả của nhóm nghiên cứu về màu mới, mang tên "olo". 5 người nhìn thấy màu này trong thí nghiệm gọi nó là màu lam - lục. Nhưng họ cho biết, mô tả này không thể hiện đầy đủ trải nghiệm.
"Từ đầu chúng tôi đã dự đoán rằng nó sẽ trông như một tín hiệu màu chưa từng có, nhưng không biết não bộ sẽ xử lý như thế nào. Thật sự đáng kinh ngạc. Màu sắc mới cực kỳ bão hòa", kỹ sư điện Ren Ng từ Đại học California Berkeley, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 18/4.

Màu ngọc lam được nhóm nghiên cứu cho là rất gần với olo. Ảnh: Guardian
Nhóm chuyên gia sử dụng một hình khối màu xanh ngọc lam để giúp mọi người hình dung về olo, nhưng nhấn mạnh rằng màu sắc này chỉ có thể trải nghiệm thông qua thao tác laser trên võng mạc. "Không có cách nào để truyền tải olo trong một bài báo hay trên màn hình. Màu mà chúng ta thấy chỉ là một phiên bản của nó, nhưng hoàn toàn nhạt nhòa so với trải nghiệm của olo", nhà khoa học thị giác Austin Roorda, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.
Con người nhận thức màu sắc khi ánh sáng chiếu vào những tế bào nhạy cảm với màu sắc gọi là tế bào nón trong võng mạc. Có ba loại tế bào nón nhạy cảm với bước sóng dài (L), trung bình (M) và ngắn (S) của ánh sáng.
Ánh sáng tự nhiên là sự pha trộn của nhiều bước sóng kích thích tế bào nón L, M và S ở mức độ khác nhau. Các "biến thể" được nhận thức dưới dạng những màu sắc khác nhau. Ánh sáng đỏ chủ yếu kích thích tế bào nón L, trong khi ánh sáng xanh chủ yếu kích thích tế bào nón S. Nhưng các tế bào nón M nằm ở giữa và không có ánh sáng tự nhiên nào chỉ kích thích duy nhất chúng.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học California Berkeley tìm cách vượt qua giới hạn này. Họ lập bản đồ một phần nhỏ võng mạc để xác định vị trí của các tế bào nón M, sau đó dùng thiết bị laser quét võng mạc. Khi đến một tế bào nón M, thiết bị bắn một xung ánh sáng nhỏ để kích thích tế bào, sau đó chuyển sang tế bào nón tiếp theo.
Kết quả, nhóm nhà khoa học thu được một mảng màu trong trường nhìn với kích thước gấp đôi trăng tròn. Màu sắc này vượt ra ngoài phạm vi tự nhiên của mắt thường vì chỉ riêng các tế bào nón M được kích thích, một trạng thái mà ánh sáng tự nhiên không thể đạt tới. Tên gọi olo của màu mới xuất phát từ mã nhị phân 010, chỉ ra rằng trong số các tế bào nón L, M và S, chỉ tế bào nón M được kích hoạt.
Khẳng định này khiến một số chuyên gia bối rối. "Đó không phải màu mới mà là một màu xanh lá bão hòa hơn, được tạo ra ở một đối tượng có cơ chế đỏ - xanh lá bình thường khi chỉ có đầu vào từ tế bào nón M", John Barbur, nhà khoa học thị giác tại Đại học London, nhận định.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học California Berkeley tin rằng kỹ thuật mới sẽ giúp họ tìm hiểu những câu hỏi khoa học cơ bản về cách não bộ tạo ra nhận thức thị giác về thế giới. Ngoài ra, có thể còn nhiều ứng dụng khác. Thông qua việc kích thích các tế bào trong võng mạc theo yêu cầu, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu thêm về chứng mù màu hoặc những bệnh ảnh hưởng đến thị giác như viêm võng mạc sắc tố.
Thu Thảo (Theo Guardian)