Một tòa nhà ở quận Sinjhuang sụp đổ trong trận động đất 921. Ảnh: New Taipei City Public Works Department
Động đất 7,4 độ xảy ra lúc 7h58 (6h58 giờ Hà Nội) với tâm chấn nằm ở phía đông đảo Đài Loan, ngoài khơi huyện Hoa Liên, tại độ sâu 15,5 km. Đây là trận động đất mạnh nhất ở hòn đảo trong 25 năm qua, sau trận động đất 7,6 độ có tên động đất 921 khiến 2.400 người thiệt mạng năm 1999.
Hình ảnh dễ thấy dù động đất lần này độ lớn 7,4 độ, song nhiều ngôi nhà cao tầng chỉ bị nghiêng thay vì sụp đổ hoàn toàn. Theo Standard & Poor’s, Đài Loan là một trong 10 nước dễ bị ảnh hưởng bởi động đất nhất thế giới. Phần lớn những trận động đất sau năm 1999 có quy mô nhỏ hơn và gây ít thương vong hơn. Tuy nhiên họ đã rút ra nhiều bài học từ thảm họa và chuẩn bị để ngăn chặn thiệt hại nếu một trận động đất lớn tương tự xảy ra.
Vấn đề xây dựng
Động đất 921 khiến hơn 51.000 tòa nhà sụp đổ hoàn toàn và hơn 53.000 tòa nhà khác bị sụp đổ một phần. Nhiều tòa nhà được xếp vào danh mục không an toàn. Một lượng lớn công trình trong số này là tòa nhà bê tông cốt thép rất thịnh hành vào thập niên 1970. Dù sử dụng bê tông gia cố, tại sao chúng lại sụp đổ nhiều như vậy?
Một trong những lý do là thiết lập quy định đầy đủ về khả năng chống động đất của nhà cao tầng. Ví dụ, Tiêu chuẩn thiết kế chống địa chấn và quy định về nhà cao tầng năm 1999 phân loại đứt gãy Chelungpu gây ra động đất 921 là đứt gãy hoạt động loại 2. Cách phân loại này không yêu cầu nhà xây dựng trên đường đứt gãy phải chống động đất tốt.
Một lý do khác là thiếu quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn xây dựng. Khi động đất 921 xảy ra, dù Đài Bắc từng ghi nhận động đất yếu hơn với cường độ 4 độ, khiến 4 tòa nhà sụp đổ và tỷ lệ thương vong cao. Điều kiện địa lý của vùng lòng chảo Đài Bắc là một yếu tố góp phần gây ra rung lắc mạnh hơn, nhưng kỹ thuật xây dựng kém cũng là thủ phạm gây ra thảm họa.
"Kết quả điều tra hé lộ sự sụp đổ của những tòa nhà trong động đất 921 chủ yếu do cấu trúc gia cố bê tông được lắp đặt không đúng", Hwang Shyh-Jiann, tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu và kỹ thuật động đất (NCREE) kiêm giáo sư kỹ thuật dân dụng ở Đại học Đài Loan, cho biết. Kỹ thuật gia cố kém bao gồm đế đỡ không đủ vững để giữ những thanh thép gia cố, thanh thép đặt quá xa nhau, hoặc sử dụng vật liệu chất lượng kém dẫn tới bê tông độ bền thấp, cùng nhiều vấn đề khác.
Chất lượng kém của quy trình xây dựng liên quan chặt chẽ tới độ an toàn của tòa nhà không phải ưu tiên hàng đầu thời đó. Ví dụ, để cấu trúc có thể chống động đất, các tầng đế đỡ chứa thanh thép gia cố phải chồng lên nhau theo góc 135 độ thay vì góc phổ biến là 90 độ. "Tiêu chuẩn này đã được ban hành từ trước động đất 921, nhưng bị coi là bất tiện và tốn nhân công, vì vậy nhiều người không tuân theo quy định", Hwang cho biết.
Sau số lượng thương vong nghiêm trọng trong động đất 921, nhiều người kêu gọi thay đổi quy định xây dựng và phương pháp thi công. Chính phủ tái phân loại khu vực động đất với dữ liệu cập nhật, bổ sung thêm nhiều nhà cửa trong vùng động đất mạnh. Nhà chức trách cũng đưa ra quy định mới về xây dựng nhà cao tầng, bao gồm kiểm soát chất lượng, đánh giá khả năng chống động đất và biện pháp gia cố công trình. Sau khi chứng kiến nhà cửa sụp đổ trong động đất 921, ngày càng nhiều người làm việc tại các công trường xây dựng sẵn sàng áp dụng biện pháp an toàn tốn nhân lực trong quá trình thi công.
Những biện pháp gia cố tòa nhà dễ bị ảnh hưởng bởi động đất
Sau động đất 921, ngoài những tòa nhà bị sụp đổ hoàn toàn hoặc một phần, có lượng lớn nhà cửa được xác định là kết cấu dễ hư hại. Do không thể phá hủy và xây lại toàn bộ tòa nhà, chính phủ khởi xướng kế hoạch gia cố kết cấu đối với tòa nhà dễ hư hại để tăng cường khả năng chống động đất của công trình. Theo Hwang, tòa nhà bằng bê tông gia cố, bao gồm công trình công cộng và tư nhân, xây trước động đất 921 chiếm 59% diện tích sàn trong tất cả nhà cao tầng hiện hành ở Đài Loan. Những tòa nhà này nằm trong nhóm khẩn cấp nhất, cần đánh giác để xác định liệu việc gia cố có cần thiết hay không.
Những tòa nhà công cộng bao gồm trường học, sở cảnh sát, trạm cứu hỏa và văn phòng và kế hoạch gia cố tập trung vào trường học. Từ năm 2009, Bộ Giáo dục Đài Loan bắt đầu xúc tiến đánh giá chống động đất và kế hoạch gia cố cho các trường học. Tầm quan trọng của việc gia cố chống động đất trở nên rõ ràng trong trận động đất Kaohsiung năm 2010. Sau địa chấn, những cột trụ của một trường học chưa gia cố bị hư hỏng thấy rõ với thanh thép lộ ra ngoài, trong khi kết cấu của ngôi trường khác ở cách đó chỉ 1,2 km và đã gia cố không có dấu hiệu thiệt hại.
So với tòa nhà công cộng, số tòa nhà tư nhân dễ hư hại lớn hơn nhiều. Theo kết quả rà soát nhanh những tòa nhà trên khắp Đài Loan trong năm 2017 - 2018, khoảng 72% tòa nhà cao hơn 12 tầng và 61% tòa nhà cao 9 - 11 tầng, có thể bị hư hỏng kết cấu.
Nằm ở nơi giao nhau giữa mảng Á Âu và mảng Philippine, Taiwan có hoạt động địa chấn mạnh với 33 đứt gãy và có nhiều đứt gãy ngầm khác trên khắp hòn đảo. Khoảng 8,6 triệu người sống trong phạm vi 10 km quanh đứt gãy đang hoạt động. Vào ngày 6/2/2016, một trận động đất 6,4 độ xảy ra ở Kaohsiung, khiến một tòa nhà 17 tầng nghiêng ngả và sụp đổ. Chính xác hai năm sau, vào năm 2018, trận động đất ở Hualien làm sụp đổ 4 tòa nhà. Một lần nữa, người dân Đài Loan được nhắc nhở về nguy cơ và mối nguy hiểm từ môi trường sống của họ.
Khi ý thức của cộng đồng đối với an toàn động đất gia tăng, chính phủ Đài Loan đề ra kế hoạch hỗ trợ người dân chi phí đánh giá khả năng hư hại về kết cấu với nhà của họ. Với kế hoạch đầu tiên thành công, chính phủ đưa ra kế hoạch khác, yêu cầu tòa nhà tư nhân có thể ảnh hưởng tới an toàn cộng đồng như rạp chiếu phim và bách hóa, cần được đánh giá độ chắc chắn. Chính phủ cũng gia cố một số tòa nhà tư nhân để khuyến khích người dân tu sửa nhà cửa và giảm thiểu thiệt hại.
An Khang (Theo Tzu Chi Culture)