VNE-Cloud-1752372981-4142-1752373026.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KFQfi4H-Odlux9dRcLNk9A

Máy bay gieo mây ở bang North Dakota. Ảnh: Jim Brandenburg

Nghi ngờ gieo mây gây lũ quét

Theo National Geographic, sau thảm họa lũ quét ở Texas, lo ngại về công nghệ gieo mây đang lan rộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tác động thực sự của nó không đáng lo ngại. Hiện nay, gieo mây được áp dụng phổ biến nhất ở miền tây nước Mỹ. Những chương trình nghiên cứu ở các bang nhiều đồi núi như Wyoming và Colorado tập trung vào nghiên cứu cách gieo mây có thể tăng khả năng tuyết rơi. Tại Texas, gieo mây được nghiên cứu như một công cụ giảm hạn hán từ giữa thế kỷ 20.

Armin Sorooshian, giáo sư kỹ thuật hóa học và môi trường tại Đại học Arizona, nhận định gieo mây không thể dẫn tới lũ quét ở Texas. Ông cho biết dựa trên các báo cáo, gieo mây có thể vắt thêm 5-15% lượng mưa nếu thành công. Dù vậy, điều đó không thể sánh với sức mạnh của lũ quét.

SNOWIE, chương trình nghiên cứu năm 2017 được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia, là chương trình đầu tiên định lượng tác động của gieo mây. Kết quả nghiên cứu phát hiện gieo mây có thể tạo ra tuyết nhưng không rơi xuống nếu không có sự can thiệp. Các nhà khoa học tại trường đại học và viện nghiên cứu ở Wyoming, Idaho và Colorado vẫn đang tìm hiểu gieo mây như một phương pháp tăng lượng tuyết mùa đông, giúp ngăn chặn hạn hán và thiếu nước.

Dù công nghệ vẫn đang phát triển, tranh cãi xung quanh gieo mây không phải mới. Năm 2024, lũ lụt lớn ở Dubai bị quy cho hoạt động gieo mây của nước này. Giới khoa học khẳng định tranh cãi xuất phát từ sự hiểu lầm về khả năng của hạt đưa vào đám mây.

Các chuyên gia cho rằng hạt nhân tạo đang làm tăng đáng kể thảm họa. Khí nhà kính phát ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch làm Trái Đất ấm lên và tăng khả năng xảy ra sự kiện lũ quét lớn. Hạt aerosol thải ra từ hoạt động giao thông như hàng không và vận tải cũng ảnh hưởng đến thời tiết theo cách không rõ ràng. Một số nghiên cứu suy đoán aerosol khiến bão tạm lắng trong thập niên 1970 và 1980.

Sorooshian nhấn mạnh dù gieo mây gây nhiều chú ý, nghiên cứu tương tác giữa mây và hạt aerosol gây ô nhiễm rất cần thiết nhằm hiểu rõ biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thời tiết như thế nào.

Cách thức hoạt động của gieo mây

Mây chứa nước dưới dạng giọt nước nhỏ hoặc tinh thể băng. Phân tử nước hình thành khi hơi nước trong khí quyển nguội đi và ngưng tụ quanh hạt nhỏ li ti trong khí quyển như muối hoặc bụi. Nếu các hạt này quá nhỏ, chúng vẫn lơ lửng trong mây. Khi mây có tiềm năng gây mưa, gieo mây giúp thúc đẩy quá trình. Máy bay hoặc máy móc trên mặt đất phát tán hạt bạc iodide hoặc muối, làm giọt nước nặng hơn, thôi thúc mây thả nước.

Phương pháp điều khiển thời tiết trên được nghiên cứu đầu tiên tại phòng thí nghiệm của General Electric năm 1946, thuộc một danh mục rộng hơn gọi là biến đổi thời tiết. Ví dụ khác về cách nhà khoa học thay đổi thời tiết bao gồm sử dụng lửa để phân tán sương mù hoặc gieo mây để ngăn chặn mưa đá.

Khi Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ xem xét các nghiên cứu về sử dụng bạc iodide để gieo mây năm 2024, họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hợp chất này đe dọa đối với sức khỏe con người hoặc môi trường. Cấu trúc phân tử của nó tương tự băng tự nhiên.

Trong những đám mây ấm hơn lơ lửng ở độ cao thấp, gieo mây được thực hiện bằng muối. Theo Sorooshian, đám mây này ưa hấp thụ hạt hút nước, đặc biệt là muối biển. Dù sử dụng phân tử bạc iodide hay muối biển, các nhà khoa học khẳng định chúng chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến thời tiết.

Theo Darin Langerud, giám đốc khí tượng học của Hiệp hội Biến đổi Thời tiết, gieo mây tăng cường lượng mưa bằng cách hoạt động cùng với quá trình khí quyển tự nhiên trong đám mây có khả năng tạo mưa. Bản thân phương pháp không thể tạo ra mây, cũng không hiệu quả đối với hệ thống bão lớn gây mưa.

An Khang (Theo National Geographic)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022