VNE-Shark-1753183155-7019-1753183243.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qTvTDnqa68ADP7hF8vr8sw

Cá mập bị tê liệt khi rơi vào trạng thái giả chết. Ảnh: Heather Flowe

Cá mập có thể là loài săn mồi đáng gờm, nhưng khi lật ngửa, nhiều loài rơi vào trạng thái bất động gọi là bất động căng cứng, chết cứng hoặc giả chết. Theo Joel Gayford, nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh thái biển tại Đại học James Cook ở Australia, con vật hoàn toàn ngừng bơi, chuyển động duy nhất của nó là thở chậm nhịp nhàng. Trong trạng thái giả chết, cá mập giảm đáp ứng về mặt giác quan, nhịp tim và huyết áp, cũng như giảm cảm giác đau.

Theo Jillian Morris, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sharks4Kids, đối với các loài cá mập rơi vào trạng thái giả chết như cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias), cá mập chanh (Negaprion brevirostris) và cá mập hổ cát (Carcharias taurus), phản ứng cứng đờ này có thể được kích hoạt khi cá mập lật ngửa hoặc kích thích mõm (nơi có nhiều thụ thể điện). Bằng cách đặt cá mập vào trạng thái này, nhà khoa học có thể tiến hành nghiên cứu an toàn đồng thời giảm bớt căng thẳng cho con vật.

Có một số giả thuyết về lý do hình thành trạng thái giả chết ở cá mập. Theo nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí Environmental Biology of Fishes, trạng thái giả chết có thể là để tự vệ, giao phối hoặc ngăn chặn quá tải cảm giác.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cho rằng tình trạng tê liệt là biện pháp bảo vệ hữu hiệu cho cá mập. Phần lớn động vật săn cá mập sẽ không bị ngăn cản bởi mục tiêu bất động. Trong một số trường hợp, đó là bất lợi rõ ràng. Cá voi sát thủ đã tìm ra cách vô hiệu hóa cá mập để chế ngự và ăn lá gan giàu dưỡng chất của chúng.

Cá mập có thể rơi vào trạng thái giả chết trong quá trình giao phối, theo Morris, con đực lật ngửa con cái để nó rơi vào trạng thái giả chết trước khi giao phối. Tuy nhiên, con đực cũng bị ảnh hưởng, vì vậy lý do giao phối không hoàn toàn giải thích tại sao hiện tượng này lại xảy ra.

Một nghiên cứu năm 2025 trên tạp chí Reviews in Fish Biology and Fisheries chỉ ra hiện tượng giả chết không có mục đích. Hiện nay, các nhà khoa học không có đủ dữ liệu để kết luận rõ ràng mục đích của hiện tượng giả chết bởi có nhiều giả thuyết nhưng không có giả thuyết nào có thể giải thích đầy đủ hoặc có bằng chứng thuyết phục.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022