VNE-Year-1735792938-9610-1735792993.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ImN0zSVANvYuihO9DGg5Kw

Julius Caesar thêm hai tháng vào năm 46 trước Công nguyên để điều chỉnh thời gian khớp với các mùa. Ảnh: Britannica

Một năm là thời gian Trái Đất hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời và quay trở lại điểm mốc để bắt đầu năm mới. Trước khi Julius Caesar giới thiệu lịch Julius, năm La Mã rất khác lịch ngày nay, chỉ gồm 4 tháng có 31 ngày (tháng 3, 7, 10 và 5). Các tháng khác ngắn hơn, chỉ có 29 ngày, riêng tháng 2 có 28 ngày. Kết quả là loại lịch này nhanh chóng không khớp với vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời, theo IFL Science.

Vào khoảng năm 200 trước Công nguyên, lịch bị lệch đến mức một sự kiện nhật thực gần như toàn phần diễn ra vào ngày 14/3 ngày nay được ghi nhận vào ngày 11/7. Cứ vài năm một lần, một tháng nhuận gọi là Mercedonius được thêm vào lịch để bù đắp chênh lệch.

Dù có thể sử dụng Mercedonius để điều chỉnh lịch, cách làm này bị lạm dụng cho mục đích chính trị để kéo dài thời gian nắm quyền. Julius Caesar sau đó tìm cách điều chỉnh mớ hỗn độn bằng cách giới thiệu lịch Julius vào năm 45 trước Công nguyên, thêm 1 - 2 ngày vào cuối các tháng ngắn (trừ tháng 2) để tổng số ngày trong năm là 365 ngày.

Theo nhà sử học La Mã Suetonius viết trong cuốn Life of Julius Caesar, ông đã cải cách lịch vốn đang rối rắm do các quan tư tế tự thêm nhiều ngày hoặc tháng tùy ý khiến lễ hội thu hoạch không diễn ra vào đúng mùa hè hoặc mùa thu. Ông điều chỉnh năm theo vòng quay của Trái Đất quanh Mặt Trời để bao gồm 365 ngày, bỏ tháng nhuận và thêm một ngày 4 năm một lần.

Nhưng trước khi áp dụng lịch mới, vẫn còn vấn đề cần khắc phục do năm không tương ứng với các mùa. Vì vậy, Caesar quyết định thêm vài tháng vào năm 46 trước Công nguyên. Cụ thể, ông thêm hai tháng vào giữa tháng 11 và tháng 12. Theo cách sắp xếp này, năm đó có 15 tháng, bao gồm tháng nhuận. Cuối cùng, năm 46 trước Công nguyên trở thành năm dài nhất trong lịch sử với 445 ngày, đôi khi còn được gọi là annus confusionis hay "năm rối loạn".

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022