VNE-Moon-7668-1732077787.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TbzWZVF7hyA3qGbcwiIotg

Mô phỏng tiểu mặt trăng quay quanh Trái Đất cùng với Mặt Trăng thật. Ảnh: Earth

Tiểu hành tinh số hiệu 2024 PT5 xuất hiện trên quỹ đạo Trái Đất từ hôm 29/9. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 7/8 bởi một hệ thống cảnh báo tiểu hành tinh do NASA cấp kinh phí phát triển. Vật thể này rộng khoảng 10 m, nhưng không phải mối đe dọa Trái Đất, theo Sun. 2024 PT5 cũng nhỏ hơn nhiều so với Mặt Trăng (rộng khoảng 3,4 triệu mét).

Các tiểu mặt trăng không đặc biệt hiếm gặp, nhưng chúng rất khó phát hiện. 2024 PT5 đặc biệt thú vị bởi kích thước của nó. Đây là một trong những tiểu mặt trăng lớn nhất, theo Barbara Castanheira Endl, trợ lý giáo sư ngành vật lý ở Đại học Baylor tại Texas. Chúng rất mờ nhạt và chỉ có thể quan sát thông qua ánh sáng mà chúng phản chiếu.

2024 PT5 sẽ rời khỏi quỹ đạo Trái Đất vào ngày 25/11. Nó từng xuất hiện gần Trái Đất như một tiểu mặt trăng trong thập niên 1960. Các nhà nghiên cứu dự đoán tiểu hành tinh này sẽ không xuất hiện trở lại cho tới năm 2055. Họ xác định nó đến từ vành đai tiểu hành tinh Arjuna. Những tiểu hành tinh thuộc vành đai đó bay theo quỹ đạo giống Trái Đất trong khoảng một năm.

Tiểu hành tinh 2024 PT5 bay qua Trái Đất ở khoảng cách gấp 9 lần Mặt Trăng. Dựa theo sự tương đồng giữa chuyển động của 2024 PT5 và Trái Đất, các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA nghi ngờ nó có thể là khối đá lớn bắn ra từ bề mặt Mặt Trăng sau một vụ va chạm rất lâu trước đây.

2024 PT5 được phát hiện bởi hệ thống Asteroid Terrestrial-impact Last Alert (ATLAS) của Đại học Hawaii, nằm ở Sutherland, Nam Phi. Tiểu hành tinh sẽ bay ra xa dần khỏi Trái Đất và tiếp tục quỹ đạo vòng quanh Mặt Trời. Nếu tới gần Trái Đất, nó sẽ bốc cháy, theo Matt Pryal, trợ lý giáo sư ngành thiên văn học ở Đại học Virginia. "2024 PT5 giúp chúng ta hiểu rõ hơn những tiểu hành tinh gần Trái Đất, kỹ thuật phát hiện và dự đoán khi nào chúng bay tới gần", Pryal chia sẻ.

An Khang (Theo Sun)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022