Thằn lằn sừng ngắn lớn có nhiều cơ chế tự vệ độc đáo. Ảnh: Bill Gorum
Thằn lằn sừng ngắn lớn (Phrynosoma hernandesi) sống ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ chuyên ăn kiến, nhện và các loài côn trùng nhỏ khác. Chúng có thân hình dẹt, lùn mập và phần mũi ngắn, trông giống loài lưỡng cư hơn bò sát, do đó còn có biệt danh là "cóc sừng". Nhưng loài thằn lằn này nổi tiếng nhất với cơ chế tự vệ khác thường. Khi bị đe dọa, chúng phun tia máu từ mắt từ khoảng cách lên tới 1,5 mét, theo Live Science.
Thằn lằn sừng ngắn lớn làm vậy bằng cách hạn chế lượng máu rút khỏi đầu, làm tăng huyết áp, khiến những mạch máu nhỏ li ti bắn ra quanh mắt. Chúng phun máu vào động vật săn mồi để khiến kẻ thù bối rối và tranh thủ chạy trốn. Khoảng 8 loài thằn lằn gai sử dụng mánh khóe mang tên chảy máu phản xạ. Thằn lằn sừng ngắn lớn dài khoảng 15 cm có thể giải phóng 1/3 tổng lượng máu theo cách như vậy.
Dù không thể cản trở chim chóc, máu của thằn lằn ảnh hưởng tới các loài họ chó như chó (Canis familiaris), chó sói đồng cỏ (Canis latrans) và cáo (Vulpes), buộc chúng phải lắc mạnh đầu để máu bắn vào. Những con thằn lằn dường như nhận ra hành vi đó và nhiều khả năng sử dụng cơ chế tự vệ độc đáo với chó thay vì động vật săn mồi khác.
Máu của chúng chứa đầy chất độc có thể đến từ loài kiến gặt (Pogonomyrmex) độc mà chúng ăn. Vị máu thằn lằn không mấy dễ chịu đối với động vật săn mồi. Thằn lằn sừng ngắn không bị ảnh hưởng bởi nọc độc của kiến gặt do một chất hóa học trong huyết thanh của chúng đã vô hiệu hóa nó. Thằn lằn cũng tiết ra lượng lớn chất nhầy để làm kiến bất động, nhờ đó chúng có thể nuốt chửng kiến mà không chịu tác động từ nọc độc.
Nhưng phun máu không phải cơ chế tự vệ duy nhất của thằn lằn sừng ngắn. Chúng có lớp da vằn vện và cơ thể dẹt giúp ngụy trang dễ dàng. Cơ thể chúng được bao phủ bởi gai nhọn, bao gồm hai sừng lớn ở đầu. Nếu động vật săn mồi tìm cách cắn chúng, thằn lằn sẽ cúi đầu, chĩa phần sừng vào miệng kẻ thù. Chúng cũng có thể phồng lên gấp đôi kích thước thông thường khi bị tấn công, làm động vật săn mồi ngạt thở nếu tìm cách nuốt chúng.
An Khang (Theo Live Science)