Theo U.S. News, bắt nạt trực tuyến (cyberbully) được định nghĩa là hành động bắt nạt hoặc quấy rối diễn ra trên các thiết bị số như máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng thông qua tin nhắn, email, các nền tảng truyền thông xã hội hoặc trò chơi trực tuyến.
Trung tâm Nghiên cứu Bắt nạt trực tuyến Mỹ (CRC) cho biết bắt nạt trực tuyến mang tính đe dọa có chủ đích và lặp lại nhiều lần.
Mức độ nghiêm trọng
Bà Amy Riley, chuyên gia tư vấn có 16 năm kinh nghiệm tại trường Mercer County ở Harrodsburg, Kentucky, cho biết bắt nạt trực tuyến diễn ra hằng ngày trong học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
"Trong năm học 2021-2022 này, không có tuần nào mà chúng tôi không giải quyết các trường hợp bắt nạt trực tuyến. Học sinh báo với tôi rằng có người nói chúng xấu xí, có người còn xui chúng tự tử. Có trường hợp trẻ nhỏ tạo tài khoản giả chỉ để bắt nạt những đứa trẻ khác" - bà Riley nói.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bắt nạt trực tuyến giảm trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Điều này có thể do bắt nạt trực tuyến thường diễn ra đồng thời với bắt nạt trực tiếp. Tuy nhiên, khi quay trở lại trường học, trẻ thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng cộng với nhiều vấn đề khác về sức khỏe tinh thần. Do đó, phụ huynh và giáo viên cần động viên trẻ bị bắt nạt và quấy rối trực tuyến.
PGS Jennifer Greif Green, giảng viên trường ĐH Giáo dục và Phát triển Con người Wheelock thuộc ĐH Boston, khẳng định: "Bắt nạt trực tuyến còn nguy hiểm hơn cả bắt nạt trực tiếp. Học sinh không thể tránh được khi bắt nạt trực tuyến tồn tại 24 giờ/ngày và không cụ thể, rõ ràng như bắt nạt trực tiếp".
Đa phần học sinh bị bắt nạt trực tuyến thường không chia sẻ với người lớn; vì vậy, cha mẹ phải để ý quan sát một số dấu hiệu cảnh báo. Theo CRC, nạn nhân thường có một số biểu hiện sau: căng thẳng, buồn rầu hoặc lo lắng trong hoặc ngay sau khi online, tách biệt với gia đình hoặc bạn bè, không còn niềm vui với các hoạt động yêu thích trước đó, thay đổi trên trường như điểm số thấp, chỉ muốn ở nhà hoặc thường xuyên xin về sớm vì bệnh.
Giải pháp tạm thời
Khi trẻ có những biểu hiện này, phụ huynh nên trò chuyện với con, hỏi thật kỹ, tập trung lắng nghe, tránh phán xét và đặc biệt quan tâm đến các nền tảng truyền thông và ứng dụng. Phụ huynh nên ngay lập tức báo cáo ứng dụng này, đồng thời chặn ngay tài khoản đó.
Đối với những đứa trẻ có hành động bắt nạt trực tuyến, ông Justin Patchin - đồng sáng lập kiêm đồng giám đốc CRC và là giáo sư môn Tư pháp hình sự thuộc ĐH Wisconsin-Eau Claire - khuyên phụ huynh nên bình tĩnh nói chuyện con, tìm hiểu vì sao con lại tham gia vào trò này. "Trong nhiều trường hợp, trẻ không nhận thức được mức độ tai hại mà chỉ xem đó như một trò đùa. Chính vì vậy, phụ huynh cần đặc biệt nói cho con mình thấy tác hại của hành động đó đối với đứa trẻ khác" - ông Patchin nói.
Đa phần học sinh bị bắt nạt trực tuyến thường không chia sẻ với người lớn.
Ngày nay, có rất nhiều ứng dụng, phần mềm có thể hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử và giám sát trẻ em trên truyền thông xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên phụ huynh nên hạn chế kiểm soát con theo hướng này mà nên xây dựng một mạng lưới bạn bè và người thân online. Khi con đăng tải những nội dung không phù hợp lên mạng xã hội, những người này sẽ báo cho cha mẹ chúng biết.
Tại Mỹ, tất cả 50 bang yêu cầu trường học và chính quyền xây dựng chính sách chống bắt nạt và bắt nạt trực tuyến. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bắt nạt trực tuyến bảo đảm sẽ không xảy ra.
Những chuyên gia tư vấn như bà Amy Riley là người giúp ngăn chặn bắt nạt trực tuyến ngay từ giai đoạn manh nha, song nhiều người trong số họ cảm thấy quá sức vì số lượng học sinh quá lớn. Chính bà Riley đã phải giải quyết hơn 600 trường hợp trong suốt 16 năm trời cho đến khi nhà trường tuyển thêm nhân sự. Điều này nói lên nhu cầu cần kíp phải có tư vấn viên và chuyên gia sức khỏe tinh thần trong hệ thống trường học.
Cùng với vấn nạn bắt nạt trực tuyến, bà Riley còn cảnh báo nguy cơ tự tử trong thanh thiếu niên tại địa phương này. Theo kết quả một nghiên cứu của ĐH Swansea, các nạn nhân của bắt nạt trực tuyến có xu hướng tự làm tổn thương gấp đôi trước đây. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo nguy cơ trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác về sức khỏe tinh thần liên quan đến nạn bắt nạt cũng gia tăng.
"Khi trẻ bị trầm cảm và muốn tự sát, chúng thường không nghe lời khuyên của người lớn. Trong trường hợp này, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh và khuyên giải khéo léo, kéo chúng ra thoát ra khỏi suy nghĩ tiêu cực, dần dần hướng chúng đến các hoạt động thực tế và hạn chế online" - bà Riley nhấn mạnh.