ve-tinh-gia-1744029798-3202-1744030255.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jQ6pHp6Ca4K-SN9xKouIpw

Vệ tinh Vanguard 1 là một quả cầu nhôm nhỏ với nhiều ăng-ten giống gai (trái), được phóng lên không gian từ bang Florida, Mỹ, vào tháng 3/1958 (phải). Ảnh: NASA/NRL

Vanguard 1 lên tới quỹ đạo vào ngày 17/3/1958 với tư cách là vệ tinh thứ hai của Mỹ, chỉ sau vệ tinh Explorer 1 phóng lên không gian ngày 31/1/1958. Tuy nhiên, Vanguard 1 là vệ tinh đầu tiên chuyển đổi ánh sáng Mặt Trời thành điện.

Trong khi Explorer 1 rơi trở lại khí quyển Trái Đất năm 1970, vệ tinh nhỏ Vanguard 1 của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân Mỹ (NRL) vẫn trụ lại. Nó thậm chí vừa kỷ niệm 67 năm bay quanh hành tinh xanh.

Dù Vanguard 1 đã ngừng hoạt động từ năm 1964, khi pin Mặt Trời không còn tạo đủ lượng điện cần thiết, nhưng các nhà khoa học vẫn nắm được vị trí hiện tại của nó. Vệ tinh này đang bay theo quỹ đạo hình elip với điểm gần nhất cách Trái Đất khoảng 660 km, điểm xa nhất cách Trái Đất khoảng 3.822 km.

Giờ đây, Vanguard 1 có thể đạt thêm một danh hiệu nữa: Vệ tinh lâu đời nhất từng được thu hồi. Các kỹ sư và nhà phân tích từ công ty Mỹ Booz Allen Hamilton đề xuất "bắt" Vanguard 1 trên quỹ đạo và đưa nó trở về Trái Đất, Space hôm 6/4 đưa tin.

Nhóm nghiên cứu tin rằng lựa chọn tốt nhất là một nhiệm vụ gồm hai giai đoạn: đánh giá và tiến hành thu hồi. Đầu tiên, tình trạng của Vanguard 1 cần được đánh giá, có thể bằng tàu vũ trụ trang bị camera để chụp ảnh và thực hiện các phép đo khác ở khoảng cách gần. Một giải pháp khác là dùng radar và kính viễn vọng ở mặt đất hoặc trên không gian, nhưng có thể sẽ không chụp được ảnh với độ phân giải cần thiết để đánh giá, theo Chris Vanwy, thành viên nhóm nghiên cứu.

Một vấn đề lớn là tính khả thi của việc bắt giữ Vanguard 1, vì nhiều ăng-ten của nó quá mỏng manh để dùng làm điểm bám. Ngoài ra, vệ tinh cũng không có cơ chế kết nối hay điểm bám thuận lợi.

Nếu đánh giá cho thấy việc thu hồi là khả thi, giai đoạn tiếp theo là cân nhắc xem nên sử dụng tàu bán tự động hay cử phi hành đoàn đến thu hồi. Với phương án tàu, thử nghiệm sắp tới do Cơ quan Nghiên cứu Dự án Phòng thủ Tiên tiến (DARPA) tài trợ có thể minh họa một kỹ thuật phù hợp: NRL đang gắn hệ thống cánh tay robot, camera và phần mềm đi kèm vào một tàu vũ trụ do công ty SpaceLogistics chế tạo. Kế hoạch là đưa tàu lên quỹ đạo địa đồng bộ cuối năm nay, tiếp cận một số vệ tinh liên lạc đã ngừng hoạt động và gắn ba lô phản lực cho chúng bằng cánh tay robot. Có thể một tàu vũ trụ tương tự sẽ bắt được Vanguard 1.

Với phương án dùng tàu có người lái, có thể sử dụng tàu Crew Dragon đã được sửa đổi của SpaceX, tương tự con tàu từng chở tỷ phú Jared Isaacman cùng ba hành khách khác lên không gian. Trong chuyến bay đó, Isaacman và kỹ sư SpaceX Sarah Gillis đã thay phiên nhau chui ra từ phần mũi của Crew Dragon để thử nghiệm bộ đồ SpaceX mới.

Do mũi tàu đủ lớn để Isaacman và Gillis chui ra, nhóm nghiên cứu cho rằng các phi hành gia tương lai có thể mang Vanguard 1 vào Dragon theo cách này với một số thiết bị hỗ trợ, sau đó đặt nó vào hộp chứa để gửi trở về Trái Đất. Việc thu hồi vệ tinh thủ công có thể chính xác hơn nhưng cũng làm tăng chi phí.

Ngoài giá trị lịch sử, việc đưa Vanguard 1 trở về còn hấp dẫn vì nhiều lý do khác. Một trong số đó là khả năng phát triển và chứng minh những kỹ thuật bắt vệ tinh trên quỹ đạo. Ngoài ra, với các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu về vật liệu và tác động của bức xạ, đây sẽ là cơ hội chưa từng có để điều tra những ảnh hưởng của việc tiếp xúc lâu dài với môi trường vũ trụ.

Thu Thảo (Theo Space, Aerospace America)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022