Thiet-bi-laser-3794-1701665992.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bq_DoR7LiI0ju6MFLUDx7A

Một bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện Queen Elizabeth ở Greenwich. Ảnh: Guardian

Các nhà khoa học tại Đại học Glasgow, Scotland, phát triển hệ thống camera laser giúp đo nhịp tim của một người từ xa và xác định những dấu hiệu cho thấy người này có thể đang mắc các bệnh về tim mạch. Hệ thống mới sử dụng công nghệ lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI), có thể thay đổi cách con người theo dõi sức khỏe, Guardian hôm 3/12 đưa tin.

"Hệ thống có thể đặt trong các cabin ở trung tâm thương mại, nơi mọi người sẽ được kiểm tra nhanh nhịp tim, sau đó bổ sung dữ liệu vào hồ sơ y tế trực tuyến của họ. Ngoài ra, máy theo dõi nhịp tim bằng laser có thể được lắp đặt trong nhà như một phần của hệ thống theo dõi nhiều thông số sức khỏe khác nhau", Daniele Faccio, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến thuộc Đại học Glasgow, cho biết.

Faccio nói thêm, việc theo dõi nhịp tim từ xa đặc biệt hữu ích vì những bất thường, bao gồm tiếng thổi hoặc nhịp tim quá nhanh hay quá chậm, giúp cảnh báo bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ hoặc ngừng tim.

Hiện tại, bác sĩ sử dụng ống nghe để theo dõi nhịp tim. "Cần trải qua đào tạo để sử dụng ống nghe đúng cách. Việc ấn quá mạnh vào ngực bệnh nhân sẽ làm giảm tín hiệu nhịp tim. Đồng thời, cách này có thể khó phát hiện các tiếng thổi ở tim, vốn cung cấp những dấu hiệu quan trọng cho các khiếm khuyết, phát ra phía sau nhịp tim chính", Faccio giải thích.

Hệ thống do nhóm Faccio phát triển gồm camera tốc độ cao với khả năng ghi hình ở tốc độ 2.000 khung hình mỗi giây. Một chùm tia laser chiếu lên da cổ bệnh nhân và phần phản xạ lại được sử dụng để đo lường chính xác mức độ da phồng lên xẹp xuống do động mạch chính giãn ra và co lại khi máu chảy qua. Những thay đổi này bao gồm cả sự dịch chuyển chỉ vài phần tỷ mét.

"Chúng tôi sử dụng hệ thống điện toán tiên tiến để lọc bỏ mọi thứ trừ những rung động do nhịp tim người gây ra, dù những rung động này là tín hiệu yếu hơn nhiều so với những tiếng động khác phát ra từ ngực. Chúng tôi biết phạm vi tần số của nhịp tim người, và AI sẽ tập trung vào đó", Faccio nói.

Nhóm của Faccio hy vọng hệ thống mới sẵn sàng để sử dụng vào năm tới. "Hệ thống này rất chính xác. Kể cả khi bạn ở chung nhà với 10 người, nó vẫn có thể phân biệt bạn với những người khác bằng cách chiếu laser lên cổ và phân tích nhịp tim của bạn từ những gì phản xạ lại. Thực tế, một công dụng khác của hệ thống là nhận dạng sinh trắc học. Nhưng mục đích sử dụng chính của công nghệ mới sẽ là đo nhịp tim nhanh chóng, dễ dàng, ở ngoài bệnh viện hay các phòng khám đa khoa. Lợi ích thu được có thể rất lớn", ông cho biết.

Thu Thảo (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022