VNE-SpaceX-1752898056-4010-1752898103.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zdc81_VD-_C18g3eewt_9Q

Tên lửa SpaceX phát nổ trong một thử nghiệm ở Boca Chica, Texas. Ảnh: Reuters

Đảo Mokumanamana ở tây bắc Hawaii nằm sâu trong Thái Bình Dương, cách Honolulu khoảng 640 km. Theo các nhà môi trường và khoa học, hàng trăm km biển xung quanh Mokumanamana và các đảo Hawaii khác đang bị đe dọa. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hồi tháng 5 thông báo họ đã cho phép công ty SpaceX của Elon Musk nổ tên lửa trên vùng biển được bảo vệ này.

SpaceX lần đầu đệ trình đề xuất Dự án Starship Super Heavy lên FAA năm 2022. Năm 2023, công ty được cấp phép phóng tên lửa Starship khổng lồ 5 lần/năm. Năm 2024, Musk đề xuất tăng số lần phóng lên 25 lần/năm. Căn cứ phóng của SpaceX nằm ở Boca Chica, Texas. Tính đến nay, 10 tên lửa Starship đã cất cánh từ đây, phần lớn kết thúc bằng các vụ nổ, phát tán mảnh vỡ từ vịnh Mexico đến Ấn Độ Dương.

Cùng với tăng số lần phóng, Musk đề xuất mở rộng khu vực ở Thái Bình Dương nơi mảnh vỡ từ tên lửa Starship phát nổ có thể rơi xuống, tăng khoảng 75 lần so với phạm vi ban đầu. Khu vực mới gồm vùng rộng lớn bao quanh 8 đảo chính của Hawaii, Mokumanamana và toàn bộ chuỗi đảo phía tây bắc Hawaii, nằm trong khu bảo tồn biển quốc gia Papahānaumokuākea, di sản thế giới của UNESCO.

Khu bảo tồn Papahānaumokuākea là một trong những khu vực sinh thái độc đáo và đa dạng nhất thế giới, với 7.000 loài chim, rùa, động vật biển có vú, cá và san hô, một số loài cực kỳ nguy cấp. Khi SpaceX tăng cường phóng tên lửa, chim và sinh vật biển có thể đối mặt với nguy cơ tràn vật liệu nguy hiểm, vật thể rơi và tiếng nổ siêu thanh.

Starship là tên lửa lớn và mạnh nhất từng được chế tạo, cao 40 tầng khi tất cả bộ phận xếp chồng lên nhau. Được thiết kế để tái sử dụng hoàn toàn, phương tiện sử dụng tên lửa đẩy Super Heavy với động cơ đốt khí methane và oxy lỏng. Đối với Musk, chi phí gây hại cho hệ sinh thái đại dương của Starship nhỏ hơn lợi ích của mà phương tiện này mang lại trong khám phá không gian.

Theo FAA, khi Starship phát nổ và rơi xuống biển, có 3 khả năng xảy ra. Đầu tiên, phương tiện có thể hạ cánh mạnh ở vận tốc cuối cùng, khiến tên lửa vỡ ra khi va chạm, tạo ra một "sự kiện nổ" trên mặt nước. Thứ hai, Starship có thể hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt nước, lật rồi chìm. Cuối cùng, tên lửa có thể vỡ ra trong quá trình hồi quyển, khiến mảnh vỡ rải rác khắp đại dương. Trước khi FAA phê duyệt 25 lần phóng/năm của SpaceX, các cơ quan liên bang đã đánh giá tác động có thể xảy ra của 3 tình huống trên.

Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã xem xét lại sự cố trong 7 lần thử nghiệm phóng Starship đầu tiên ở Boca Chica, Texas. Lần phóng đầu tiên phá hủy bệ phóng khiến các mảnh bê tông bay xa vài km qua khu bảo tồn động vật hoang dã. Lần bay thứ hai không có sự cố, nhưng lần thứ ba đã gây ra hai vụ cháy rừng, và lần thứ tư làm tấm kim loại văng xuống công viên tiểu bang xung quanh. Ba lần bay tiếp theo làm cháy thảm thực vật, tạo ra một "cột sỏi" giống như lốc xoáy.

Cơ quan Ngư nghiệp biển Quốc gia lo ngại hàng chục loài sẽ bị ảnh hưởng bởi vụ nổ tên lửa Starship, bao gồm cá voi, rùa, hải cẩu, cá, cá mập, san hô và nhiều sinh vật biển khác. Một phát ngôn viên của Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đề xuất áp dụng biện pháp như thu thập dữ liệu âm thanh về các vụ nổ và theo dõi mảnh vỡ rơi.

Tên lửa là sự kết hợp những vật liệu như kim loại nặng, nhựa, dây điện và hóa chất. Theo Ella Atkins, giáo sư và trưởng khoa kỹ thuật hàng không và đại dương tại Đại học Công nghệ Virginia, khi tên lửa phát nổ, nó thường vỡ thành nhiều mảnh riêng biệt bao gồm vỏ ngoài, bình nhiên liệu, động cơ và tất cả đường ống. Bất kỳ nhiên liệu còn sót lại nào chưa cháy sẽ rơi xuống bất cứ nơi đâu.

Các tấm thép không gỉ lớn bên hông tên lửa có thể nổi một thời gian và được thu hồi trước khi chúng chìm xuống. Những mảnh nặng hơn như bộ phận của động cơ sẽ ngay lập tức rơi xuống đáy biển. Atkins cho rằng cả 3 tình huống nổ do FAA đưa ra đều có thể gây hại cho sinh vật biển. Việc vứt bỏ các vật liệu xuống nước cũng có thể gây ra hậu quả không lường trước. Phá hủy rạn san hô sẽ giết chết cả hệ sinh thái phụ thuộc vào nó, từ động vật biển có vú và chim đến cá.

An Khang (Theo Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022