ts-banglades-1733494103-7592-1733494195.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xzxXSt_Apqw_bVD3GaG0GQ

GS Nguyễn Thục Quyên (phải) trao giải cho TS Firdausi Qadri. Ảnh: Ngọc Thành

Tiến sĩ Firdausi Qadri, 73 tuổi, được vinh danh giải đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trị giá 500.000 USD - Giải thưởng VinFtuture 2024 về những đóng góp sự đổi mới cải tiến vaccine dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển. Bà là một nhà miễn dịch học và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm người Bangladesh. Bà lấy bằng cử nhân ngành hóa sinh và bằng thạc sĩ ngành sinh học phân tử ở Đại học Dhaka trước khi chuyển tới Anh để học tiến sĩ ở Đại học Liverpool năm 1980. Dù có cơ hội ở lại Anh, bà quyết định quay trở lại Bangladesh để cống hiến cho quê hương.

Trong buổi chia sẻ với báo chí tại Hà Nội dịp nhận giải thưởng, Qadri dành nhiều thời gian để nói về người dân ở quê hương bà và sự khó khăn trong điều kiện y tế. Bà kể, dân số Bangladesh rất đông, khoảng 170 triệu người. Hàng năm có khoảng 79 - 80 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tả do thiếu nước sạch hoặc vệ sinh dịch tễ không đảm bảo.

Tiến sĩ Qadri bắt đầu làm việc ở Trung tâm nghiên cứu bệnh tiêu chảy quốc tế, Bangladesh (ICDDE,B) năm 1988. Bà bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn shigella gây bệnh lỵ và sơ ý khiến chính bản thân nhiễm Shigella dysenteriae. Sau đó, bà chuyển trọng tâm nghiên cứu sang bệnh tả và thương hàn, sử dụng các phương pháp hóa sinh, miễn dịch và phân tử nhằm hiểu rõ vi khuẩn gây ra những bệnh này và phát triển công cụ chẩn đoán.

Tiến sĩ Qadri bắt đầu nghiên cứu vi khuẩn shigella, vấn đề lớn khiến nhiều người đau đớn và tử vong đương thời. Sau này, bà chuyển sang nghiên cứu bệnh tả, một bệnh đặc hữu ở Bangladesh. Những người dân sống ở khu vực đông dân không có nước sạch, điều kiện vệ sinh kém và dân trí thấp dễ mắc bệnh này. Ở thời kỳ đó, rất ít thông tin có sẵn về những gì xảy ra khi một bệnh nhân mắc bệnh lỵ, tả và thương hàn.

Tiến sĩ Qadri tiến hành một thử nghiệm quan trọng với 240.000 người nhằm khám phá tính khả thi và hiệu quả của vaccine phòng bệnh tả đường uống quy mô lớn. Năm 2017, khi người tị nạn Rohingya từ Myanmar tới Dhaka, trại tập trung của họ nằm ở khu vực có tỷ lệ mắc bệnh tả thuộc hàng cao nhất trong thành phố. Tiến sĩ Qadri dẫn đầu một nhóm chuyên gia trong suốt chương trình cấp phát vaccine hàng loạt nhằm ngăn chặn bùng phát bệnh tả. Đây là một phần trong nỗ lực chủng ngừa cho 1,2 triệu người có nguy cơ cao ở Dhaka.

Năm 2012, bà được trao giải Christophe Rodolfe Grand Prize. Bà sử dụng tiền thưởng để thành lập Viện phát triển khoa học và sáng kiến sức khỏe, khánh thành năm 2014 và tập trung vào rối loạn di truyền như hội chứng Down, bệnh Huntington, và suy giáp bẩm sinh. Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu năm 2020, tiến sĩ Qadri là một trong những nhà khoa học chủ chốt điều phối công tác ứng phó với virus mới.

Năm 2021, tiến sĩ Qadri được trao giải Raman Magsaysay cho "đam mê và cống hiến cả đời cho nghiên cứu khoa học". RMAF ghi nhận những đóng góp của tiến sĩ Qadri trong cuộc chiến chống bệnh tả và thương hàn, đặc biệt là vai trò của bà trong phát triển một loại vaccine bệnh tả đường uống (OCV) rẻ hơn và vaccine liên hợp thương hàn dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Theo RMAF, tiến sĩ Qadri hiện nay là tác giả của 490 bài báo xuất bản trên các tạp chí có sức ảnh hưởng lớn.

Bà cho biết trong tương lai, muốn tăng cường nhận thức của mọi người về các loại bệnh, đặc biệt là tập trung vào hai đối tượng phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ hiện có nguy cơ mắc rất nhiều loại bệnh, ví dụ như ung thư vú, ung thư buồng trứng.... Hiện nay nhiều quốc gia chưa có sẵn dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Do đó, tôi muốn tập trung nghiên cứu lĩnh vực này để cải thiện sức khỏe của trẻ em nhỏ và phụ nữ nói chung.

Bà cũng mong muốn ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo và tham gia vào lĩnh vực khoa học dù công việc này mất rất nhiều thời gian. Thường phụ nữ sẽ ngần ngại khi có gia đình. "Bản thân tôi có ba con nhưng vẫn có thể làm khoa học, vẫn có thể đạt được những thành công nhất định", bà nói và muốn trở thành một hình mẫu để cổ vũ cho những người phụ nữ theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

An Khang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022