Thông tin được ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nói tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu 2025 tổ chức ngày 21/4 ở Hà Nội. Theo ông Hoài, đổi mới sáng tạo còn có thể đóng góp 91% cho phát triển kinh tế xanh và 87% vào việc gia tăng giá trị xã hội.

Theo ông Hoài, tác động của đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng sâu rộng trong vòng 10 năm tới, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao tiếp, chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động và môi trường sống. "Đây chính là động lực nền tảng để Việt Nam vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và vươn lên trong kỷ nguyên số", ông nói.

mr-hoai-jpeg-1745284162-174528-8556-5142-1745285035.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_8_ssxQ2M1VqSgNplas1jw

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho rằng, khi đổi mới sáng tạo trở thành bản sắc Việt Nam sẽ bứt phá trong kỷ nguyên số. Ảnh: Lưu Quý

Dẫn chứng từ các nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ như Hàn Quốc và Đài Loan, ông Hoài cho rằng chiến lược tập trung đầu tư trọng điểm vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, sản xuất và xuất khẩu công nghệ cao là nhân tố quyết định. "Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư và công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông nói.

Một trong những giải pháp trọng tâm được NIC triển khai là xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo theo chuẩn quốc tế. Các mô hình điển hình như Adlershof (Đức) - nơi quy tụ hơn 1.000 startup và đạt doanh thu 3 tỷ USD mỗi năm, Brainport Eindhoven (Hà Lan) - đóng góp 2% tài sản sở hữu trí tuệ toàn cầu, hay Zhongguancun (Trung Quốc) - "thung lũng Silicon của Bắc Kinh" với 70 kỳ lân công nghệ và hơn 1,3 triệu việc làm. Đây là những minh chứng rõ nét cho tiềm năng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Để kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo một cách bền vững, ông Hoài nhấn mạnh vai trò then chốt của nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cần phát triển mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực STEM, tăng cường kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các phòng thí nghiệm thực tế phục vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ. Ông Hoài cho biết, NIC đang thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như chương trình tháo gỡ rào cản, hỗ trợ sử dụng cơ sở vật chất dùng chung và phát triển mô hình ươm tạo cho startup.

Hiện nay, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn ra 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, quy tụ hơn 2.000 chuyên gia và 14 nhóm hoạt động tại các trung tâm công nghệ lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo ông Hoài, duy trì kết nối với cộng đồng chuyên gia toàn cầu sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận các thành tựu công nghệ tiên tiến, thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế tri thức.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn CNCTech, khẳng định đổi mới sáng tạo không chỉ là chiến lược sống còn mà còn là động lực tăng trưởng dài hạn. CNCTech hiện triển khai nhiều sáng kiến nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, cải tiến vận hành, đào tạo nhân lực công nghệ cao thông qua hợp tác với trường đại học và viện nghiên cứu. "Chúng tôi cũng xây dựng nền tảng hỗ trợ startup sản xuất tiên tiến, giúp họ thử nghiệm sản phẩm, mở rộng quy mô và tiếp cận đối tác chiến lược", ông Kiên cho biết.

Nhật Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022