52 tiết học bắt buộc trong nhà trường có lẽ không đủ để học sinh nắm được khối kiến thức lịch sử khổng lồ. Song, nhiều người cho rằng bấy nhiêu tiết học cũng phần nào giúp các em "cảm" được những giá trị truyền thống của ông cha.
Học từ ngoại khóa
Theo các chuyên gia, không chỉ duy trì cùng với các môn khoa học xã hội cơ bản trong môi trường THPT hay đại học, môn lịch sử cũng cần được truyền tải một cách linh hoạt thông qua các tiết học ngoại khóa.
Là người yêu thích nghiên cứu lịch sử, anh Phan Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Vang vọng Trống chầu (TP HCM), cho rằng điểm sáng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đối với việc học môn lịch sử là có thêm phần giáo dục địa phương - vốn khuyết hoàn toàn trong chương trình phổ thông. Điều này bắt buộc mỗi địa phương phải soạn một giáo trình riêng hoặc sách giáo khoa riêng.
"Cách dạy sử phổ biến hiện nay là thông sử, nghĩa là trình bày mọi mặt sinh hoạt xã hội từ xưa đến nay một cách có hệ thống theo dòng thời gian. Ưu điểm của cách dạy này là giúp học sinh hệ thống hóa được kiến thức theo tiến trình thời gian. Tuy nhiên, khuyết điểm của cách này là dạy sử đại tự sự, nghĩa là những sự kiện quốc gia mang tầm vĩ mô mà học sinh ít thấy liên quan đến bản thân, nhất là ở khía cạnh địa phương, đồng thời khá xa rời thực tế" - anh Huy nhận định.
Công ty TNHH Vang vọng Trống chầu hiện tổ chức các chuyến đi theo kiểu "đi để học" như: "Theo dấu tiền nhân", "Passage to Cho Lon", "Phố - Thị - Già lam", "Play with history"… Để tổ chức các chuyến đi thành công và được nhiều người biết đến như hiện nay, anh Huy và ê-kíp của mình có một bộ công cụ riêng, đồng thời dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết tìm tòi, sưu tầm kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách vở, luận văn và các chuyến điền dã của nhóm.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi không chỉ là giúp người tham gia trải nghiệm khám phá về văn hóa, ẩm thực mà quan trọng là phải học được về lịch sử của vùng đất đó. Cách học này có thể được áp dụng và nhân rộng ở nhiều nơi, giúp học sinh đỡ nhàm chán, đồng thời tránh được kiểu "học cho có". Những công trình nghiên cứu của nhóm cũng có thể được sử dụng làm tài liệu để giáo viên tham khảo cho bài giảng của mình" - anh Phan Khắc Huy khẳng định.
Tuy nhiên, anh Huy cho biết đối tượng tham gia "đi để học" đa phần trong độ tuổi 24-35; còn học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy thành phần này vẫn chưa nhận thấy sự cần thiết và thú vị của môn lịch sử. Do đó, cần có thêm nhiều chương trình như vậy trong trường học, để các em hiểu được cái hay, cái đẹp của truyền thống dân tộc.
Một chuyến đi học lịch sử ngoại khóa của học sinh - sinh viên TP HCM
Tập huấn để thay đổi cách dạy
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), cho biết nhà trường đang chờ hướng dẫn từ Sở GD-ĐT TP HCM để cân chỉnh các tiết học cũng như hoạt động ngoại khóa cho hợp lý với thời lượng 52 tiết/năm học so với 70 tiết trước đây. Đợt tập huấn này sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 12-8.
Theo cô Phạm Thị Bích Tuyền, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), năm nay, nhà trường sử dụng bộ sách giáo khoa của Nhà Xuất bản Chân trời Sáng tạo. "Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản sẽ tập huấn trực tuyến cho giáo viên nhà trường về nội dung giảng dạy môn lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ có những lớp tập huấn trực tiếp để tiện trao đổi hơn" - cô Tuyền bày tỏ.
Các năm trước, Trường THPT Bùi Thị Xuân đều tổ chức hoạt động tham quan các bảo tàng tại TP HCM cho học sinh. Riêng năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát nên học sinh chỉ tham quan thực tế ảo. Dù bằng hình thức nào, các em đều rất quan tâm và tham gia nhiệt tình, cho thấy môn lịch sử vẫn có sức hút đối với thế hệ trẻ.
Điểm môn lịch sử được cải thiện
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cả nước có 659.667 thí sinh thi môn lịch sử trong tổ hợp khoa học xã hội. Kết quả, môn này có 1.779 điểm 10, đứng thứ 2 sau môn giáo dục công dân. Số lượng bài thi môn lịch sử dưới điểm trung bình cũng thấp nhất trong 3 năm qua (127.557 bài thi, tỉ lệ 19,34%).
Biểu đồ phổ điểm thi THPT môn lịch sử năm 2022 do Bộ GD-ĐT công bố nghiêng về bên phải cho thấy lịch sử đã dần được học sinh tập trung đầu tư hơn. Điều này cũng thể hiện qua số điểm trung bình môn lịch sử qua các năm: Năm 2020 và 2021, điểm trung bình lần lượt là 5,19 và 4,97; năm 2022 nhảy vọt lên 6,34.